Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Theo mô hình này, nhóm tác chiến viễn chinh tương lai của hải quân Trung Quốc sẽ gồm tàu sân bay trực thăng Type-075 ở trung tâm, được hộ tống bởi một tàu khu trục đa năng Type-055 và khu trục hạm phòng không Type-052C/D. Nhiên liệu, đạn dược và nhu yếu phẩm được bảo đảm bởi tàu tiếp vận hạng nặng Type-901.

Nguồn tin hải quân Trung Quốc cho biết biên đội đầu tiên có thể xuất hiện trong 5 năm tới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP.

"Chọn chiến tranh thương mại là sai lầm, kết cục chỉ làm chính các ông và nhiều nước thiệt hại", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/3. "Trung Quốc sẽ có phản ứng đáp trả cần thiết và phù hợp".

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị đánh thuế với nhôm và thép nhập khẩu vào nước này, bất chấp quan ngại từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 7/3, tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc dẫn đầu một nhóm 18 nước thành viên kêu gọi ông Trump hủy kế hoạch đánh thuế. Đại diện những nước này cho rằng quyết định của Mỹ sẽ tạo ra mối đe dọa với hệ thống thương mại toàn cầu.

Trung Quốc có thặng dư lớn trong thương mại với Mỹ, 375,2 tỷ USD trong năm 2017. Thép và nhôm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số các mặt hàng Washington nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép được coi là bước khởi đầu châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chính quyền Trump dự kiến công bố báo cáo về vấn đề sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh trong vài tuần tới, có thể dẫn đến việc áp thêm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng Trung Quốc.

"Mỹ đang hành động với trộm cắp tài sản trí tuệ. Chúng tôi không thể để tình trạng này tiếp diễn", ông Trump viết trên Twitter ngay trước khi ông Vương phát biểu. Ông chủ Nhà Trắng còn đề nghị Trung Quốc "xây dựng kế hoạch nhằm giảm 1 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ".

Như Tâm

'Cậu bé tóc băng' rời trường mới sau một tuần nhập học

Cuộc sống của cậu bé Vương Phú Mãn. Video: SCMP

Từ cuối tháng 2, Vương Phú Mãn, 8 tuổi, bắt đầu học lớp ba tại trường tư thục Xinhua ở thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiệu trưởng Yang quyết định để em theo học miễn phí sau khi biết câu chuyện "cậu bé tóc băng" đến trường làm hàng triệu trái tim tan chảy, SCMP hôm nay đưa tin.

Trước đây, khi học ở trường tiểu học công lập Chuyển Bao Sơn ở huyện Lỗ Điện, Phú Mãn phải đi bộ hơn một giờ để đến trường. Học nội trú ở Xinhua, em sống xa nhà nhưng không phải mất sức đi bộ.

"Thầy cô ở đây dạy hay hơn. Học sinh không nói chuyện trong lớp và mọi người tập trung vào việc học. Cháu sống ở đây, không cần đi bộ xa để đến trường và chỉ cần chạy thể dục mỗi sáng", Phú Mãn kể. 

"Ở trường mới, cháu ăn uống tốt hơn. Ở nhà khi bà bận, cháu và chị gái phải tự tìm đồ ăn. Vì không biết nấu nên chúng cháu chỉ luộc khoai tây. Còn ở đây cháu có nhiều món khác", cậu bé nói thêm.

Ngày Phú Mãn đến trường mới, em được hiệu trưởng dặn chăm học. "Cháu hiện nay có thể là đang nghèo nhưng vẫn cần phải có khát vọng. Sự giúp đỡ của người khác chỉ là tạm thời. Học hành chăm chỉ sẽ giúp cháu thay đổi số phận", ông Yang kể.

Tuy nhiên, chiều 6/3, bố của Phú Mãn, 29 tuổi, được đề nghị đến đón con trai về nhà để cậu bé tiếp tục học ở trường cũ. "Tôi mù chữ và không hiểu vì sao nhà trường lại làm thế", anh Vương nói.

Theo hiệu trưởng Yang, những rắc rối phát sinh từ chính quyền và truyền thông mà nhà trường đã không lường trước buộc ban giám hiệu đưa ra quyết định không mong muốn này.

"Tôi phát hiện Phú Mãn được Bộ Giáo dục xem là một trong số ít học sinh của tỉnh cần được chính phủ hỗ trợ để giảm nghèo. Kết quả là từ ngày Phú Mãn đến, chúng tôi nhận rất nhiều yêu cầu từ các cấp chính quyền về việc kiểm tra. Nhiều tờ báo cũng đề nghị phỏng vấn. Tôi không từ chối nổi nhiều yêu cầu đến thế", ông nói.

Hiệu trưởng Yang cho biết vẫn muốn giúp "cậu bé tóc băng" song theo cách ít được để ý hơn. Ông cũng bác bỏ ý tưởng quảng bá hình ảnh của trường thông qua Phú Mãn. "Tôi chỉ muốn trường chúng tôi như bao trường khác và không muốn sự chú ý của truyền thông", ông nói.

Anh Vương cho hay đã nhận số tiền 2.340 USD từ hiệu trưởng Yang trước khi đưa con trai về nhà. Anh cũng được ông Yang hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ nếu gia đình gặp khó khăn trong tương lai.

Bố của Phú Mãn hiện không có việc làm. Anh bỏ việc cũ ở thủ phủ Côn Minh khi được hứa nhận vào làm ở một công ty kỹ thuật xây dựng ở Chiêu Thông với thu nhập 30 USD/ngày và gần nhà hơn. Tuy nhiên, công ty hiện cho biết không có việc cho anh.

Vũ Phong

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: SCMP.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: SCMP.

"Một số người ở Mỹ tin rằng Trung Quốc đang chiếm vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Đây là đánh giá sai lầm chiến lược căn bản", South China Morning Post dẫn lời ông Vương hôm nay nói tại họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh. "Nếu quý vị thấy có sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, đó nên là cạnh tranh tích cực và điều này là bình thường trong quan hệ quốc tế". 

Ông Vương cho rằng Bắc Kinh cam kết phát triển hòa bình và cần hợp tác rộng rãi với các vấn đề như thương mại và Triều Tiên. "Chừng nào chúng ta không nhìn bằng định kiến hay tiêu chuẩn kép, điều chúng ta có thể thấy không phải là mối đe dọa mà là những cơ hội. Cái gọi là 'Thuyết Trung Quốc Đe dọa' nên được cho yên nghỉ".

Ông Vương tuyên bố khi chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng mới nhất của Mỹ xác định Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" và kêu gọi phản ứng kinh tế, quân sự và kỹ thuật mạnh mẽ hơn để đối đầu với nước này. Mỹ cũng cam kết có hành động thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc, bao gồm áp thuế nhập khẩu nặng với sản phẩm thép và nhôm. 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cân nhắc những biện pháp trừng phạt rộng hơn, bao gồm các khoản thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và giới hạn đầu tư công nghệ của nước này vào Mỹ, sau một cuộc điều tra của Mỹ về cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ. 

Trọng Giáp

PAC-3 được tối ưu để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ảnh: Lockheed Martin.

PAC-3 được tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ảnh: Lockheed Martin.

Hệ thống phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ mới đây phóng hai quả đạn phiên bản giá rẻ (CRI) đánh chặn thành công hai tên lửa đạn đạo trong một cuộc thử nghiệm tại bãi thử White Sand, bang New Mexico, Army Recognition ngày 7/3 đưa tin.

Cuộc thử nghiệm đánh dấu lần thứ 10 và 11 phiên bản PAC-3 CRI của Lực lượng phòng thủ Mỹ bắn hạ tên lửa mục tiêu trong vòng 6 năm qua.

Lá chắn Patriot Mỹ bắn hạ hai tên lửa đạn đạo

Hệ thống PAC-3 trong một lần khai hỏa.

Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất từ năm 1984. Hệ thống tên lửa đánh chặn này được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và chiến đấu cơ.

Lục quân Mỹ cho biết một quả tên lửa đánh chặn phiên bản gốc thuộc hệ thống này có giá trị lên đến ba triệu USD. Phiên bản giá rẻ CRI được phát triển trong khuôn khổ chương trình giám sát đặc biệt của Lầu Năm Góc nhằm giảm chi phí và tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho PAC-3.

Nguyễn Hoàng

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Putin (trái) và Trump gặp nhau tại G20 ở Đức năm 2017. Ảnh: Reuters.

Putin (trái) và Trump gặp nhau tại G20 ở Đức năm 2017. Ảnh: Reuters.

"Tôi không hề thất vọng", ông Putin ngày 7/3 nói trên truyền hình nhà nước Nga khi được hỏi về Tổng thống Mỹ Trump. "Hơn nữa, về mặt cá nhân, ông ấy đã gây ấn tượng tốt đối với tôi".

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc tế năm ngoái. Putin ca ngợi Trump là người nhanh nắm bắt vấn đề và biết lắng nghe đối phương, theo AP.

Tổng thống Nga cũng cho biết ông đã nói chuyện với đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump khi ông ngồi cạnh bà trong một bữa tiệc tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7/2017. Nhà lãnh đạo Nga đã kể với bà Melania và vợ của Thủ tướng Italy về việc câu cá và những con gấu ở Kamchatka cùng với hổ ở vùng Viễn Đông. "Tôi đã phóng đại đôi chút", ông Putin nói. "Khi nói về câu cá, bạn không thể không phóng đại".

Putin thể hiện sự thất vọng đối với hệ thống chính trị Mỹ, nói rằng "nó đã chứng minh sự kém hiệu quả và đang tự nuốt chính mình". "Thật khó tương tác với một hệ thống như vậy, bởi vì họ rất khó đoán", ông nhận xét.

Những hy vọng của Moscow về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington dưới thời Trump đã tan vỡ vì cuộc điều tra của Mỹ về cáo buộc chiến dịch tranh cử của Trump thông đồng với Nga để can thiệp cuộc bầu cử.

Ông Putin nói rằng phương Tây đã thực hiện những nỗ lực để ngăn chặn và làm suy yếu Nga, khiến quan hệ hai bên ngày càng lạnh lẽo. "Chúng tôi là một cường quốc và không ai thích sự cạnh tranh", ông nói.

Phương Vũ

Luo Zhaoliu quyết định nghỉ việc sau 9 năm làm ở Thâm Quyến để về quê lập nghiệp. Ảnh: SCMP.

Luo Zhaoliu quyết định nghỉ việc sau 9 năm làm ở Thâm Quyến để về quê lập nghiệp. Ảnh: SCMP.

Một năm trước, Luo Zhaoliu quyết định bỏ việc ở Thâm Quyến - thành phố duyên hải phía nam được gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, để gia nhập vào cộng đồng doanh nhân mang khát vọng biến cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Trung Quốc trở thành tiền tuyến cho sự sáng tạo và sản xuất ở khu vực nông thôn, theo SCMP.

Luo, 34 tuổi, trở về quê hương, một ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở huyện Vạn An, tỉnh Giang Tây. Anh bắt đầu kinh doanh đậu phụ nhự, món ăn làm từ đậu hũ lên men truyền thống ở Trung Quốc, sau 9 năm làm kỹ sư nghiên cứu và phát triển tại một công ty sản xuất linh kiện ôtô điện. 

Anh mở một xưởng nhỏ, thuê những lao động lớn tuổi và trung niên trong làng và bắt đầu bán món ăn truyền thống này tới khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc thông qua các sàn bán lẻ trực tuyến lớn.

"Chuyến mạo hiểm của tôi cho thấy cuộc cách mạng công nghệ Internet ở Trung Quốc đã mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, đồng thời tạo công ăn việc làm để khôi phục cộng đồng địa phương", Luo nói.

Những nỗ lực của Luo gợi nhớ tới sự phân hóa giàu nghèo tại thành thị và nông thôn Trung Quốc - nơi rất hiếm việc làm, người dân phải bỏ quê lên thành phố tìm việc, bỏ lại gia đình và con cái phía sau.

Đầu tàu mới 

Cơ sở hạ tầng băng thông mở rộng, các phương thức mua sắm và thanh toán trực tuyến phát triển, đã tạo điều kiện cho khu vực nông thôn trở thành đầu tàu mới cho sự phát triển của thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

Đa phần người dân ở các vùng nông thôn rộng lớn tại Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận lối sống Internet như những người ở khu vực thành thị, nơi Internet đã trở thành một phần tất yếu của đời sống thường nhật. Họ sử dụng Internet để xem phim, mua bảo hiểm, thuê xe, tới giao hàng tận nhà.

Tăng trưởng Internet ở Trung Quốc nhận được cú huých lớn vào năm 2015, khi Bắc Kinh công bố chiến lược Internet Plus - một khái niệm tích hợp Internet di động, điện toán đám mây và dữ liệu lớn vào sản xuất và khuyến khích thương mại điện tử phát triển.

Sự tăng trưởng này có thể sẽ tiếp tục nâng tầm cao mới, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi ngành viễn thông quốc gia bỏ phí chuyển vùng dữ liệu, giảm phí sử dụng băng thông rộng cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân tụ tập tại một điểm hướng dẫn mua hàng trực tuyến Taobao ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Global Times.

Người dân tụ tập tại một điểm hướng dẫn mua hàng trực tuyến Taobao ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Global Times.

Trung Quốc, đất nước có hơn 600.000 làng xóm, có 772 triệu người dùng Internet và 1,4 tỷ thuê bao di động cuối năm ngoái. Theo công ty tư vấn iResearch, năm 2016, ngành thanh toán di động đạt trị giá 5,5 nghìn tỷ USD.

Công ty nghiên cứu eMarketer dự đoán doanh số bán lẻ của ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ đạt 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp đôi so với mức 1,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, chiếm gần 60% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu.

Sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại

Vạn An nổi tiếng là một trong những cơ sở đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc cải cách và phát triển kinh tế vài thập niên qua, người dân địa phương đã trở thành một phần của cộng đồng nghèo bị bỏ lại phía sau ở Trung Quốc.

"Dù Vạn An là một nơi tuyệt đẹp, với những ngọn đồi xanh mướt và dòng nước ngọt lành, nó vẫn là một nơi xa xôi hẻo lánh", Luo nói. "Người dân ở đây chủ yếu làm nông, sống rất chật vật".

Luo cho hay đa số người dân quê anh đều trong độ tuổi 40 - 50, trình độ văn hóa thấp, không biết gì ngoài làm nông.

"Nhiều người xa quê lên thành thị làm công nhân nhập cư trong các nhà máy khi còn trẻ. Về già, họ lại thất nghiệp, buộc phải quay lại quê cũ", Luo cho hay. "Tôi hy vọng việc làm ăn của mình giúp ích cho họ".

Cuối năm 2016, Luo kêu gọi đầu tư 142.000 USD mở xưởng chế biến đậu phụ nhự. Anh thuê 15 người trung niên và cao tuổi trong làng, chế biến sản phẩm theo công thức gia truyền nhà Luo và lấy thương hiệu là "Luo Doudou". Mọi việc đều làm trong nhà xưởng, rất dễ dàng đối với công nhân lớn tuổi.

Đậu phụ nhự Vạn An làm từ dầu trà địa phương và rượu gạo vàng, góp phần tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn có truyền thống từ nhiều thế kỷ nay.

"Bố mẹ, ông bà tôi đã kiếm sống bằng nghề này và bán đi các làng xung quanh. Hồi nhỏ, tôi từng thề sẽ phải học thật giỏi, rời làng đi và sống cả đời ở thành thị", Luo nhớ lại. "Giờ tôi có sự nghiệp tốt hơn khi quay về quê làm ăn, nhờ có sự bùng nổ Internet ở Trung Quốc".

Luo mở cửa hàng Luo Doudou trên Taobao, sàn mua sắm trực tuyến lớn nhất của tập đoàn Alibaba và trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội của tập đoàn Tencent. Năm ngoái, anh bán được hơn 60.000 hộp trên mạng trực tuyến và cửa hàng thực.

Công nhân trong xưởng làm đậu phụ nhự của Luo đều là người trung niên và cao tuổi. Ảnh: SCMP.

Công nhân trong xưởng làm đậu phụ nhự của Luo đều là người trung niên và cao tuổi. Ảnh: SCMP.

Nhu cầu mua tăng lên thông qua các nhận xét tích cực trên mạng xã hội, Luo nói. Anh dự định thuê tiếp 30 công nhân nữa, đều là người lớn tuổi trong làng, để tăng lượng sản xuất. Thành công bước đầu khiến Luo có thêm tự tin đem lại nhiều sản phẩm mang hương vị thôn quê tới bàn ăn của những gia đình ở thành thị Trung Quốc. 

Liang Lu, một cựu nhà báo quê gốc Vạn An, cũng bắt tay vào sứ mệnh giúp dỡ nông dân địa phương quảng bá sản phẩm trên mạng trực tuyến. 

"Nông dân thiếu kiến thức về cách tiếp thị trái cây tươi đến khu vực thành thị. Họ chỉ biết bày trái cây ven đường, ngồi và đợi người đến mua", Liang nói. "Rất ít người dừng lại mua bởi họ sẽ lái xe qua những tuyến đường mới xây. Vài năm qua, nông dân đã phải vứt nho và cam lại ven đường".

Đau lòng trước cảnh khó khăn của người nông dân, Liang cho hay anh sẽ sử dụng truyền thông xã hội để đưa tin về tình hình của họ.

"Nhiều người dùng mạng xã hội ở tỉnh Quảng Đông như người ở Đông Quan, Thâm Quyến, Quảng Châu, xúc động trước hoàn cảnh của nông dân đã đặt mua rất nhiều. Năm 2016, các nông dân và 4 người bạn của tôi đã giúp tôi chuyển 7 tấn nho tới Quảng Đông. Hàng bán hết veo trong vài ngày".

"Từ đó, người nông dân học được cách bán hàng trực tuyến", Liang kết luận.

Hồng Hạnh

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảnh. Ảnh: Kyodo.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảnh. Ảnh: Kyodo.

"Việc khởi động sớm đàm phán 6 bên là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảnh hôm nay phát biểu tại cuộc họp báo, theo Kyodo.

Đàm phán 6 bên là hoạt động bắt đầu vào năm 2003 giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ nhưng bị đình chỉ từ năm 2009, khi Bình Nhưỡng rút khỏi cơ chế để phản đối lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Trung Quốc là chủ tọa cuộc đối thoại đa phương này.

Hàn - Triều sẽ họp thượng đỉnh vào cuối tháng 4 ở Khu phi quân sự, sau khi Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa nếu an ninh của họ được đảm bảo.

Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với các trao đổi và tương tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có liên quan đều coi đây là cơ hội và cùng làm việc để phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên", ông Cảnh nói.

Phương Vũ

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Triều Tiên tiếp đón phái đoàn Hàn Quốc như thế nào
 

Phái đoàn Hàn Quốc gồm 10 người, do Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thăm Triều Tiên trong hai ngày 5 - 6/3. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 5/3 đã tiếp đón, đối thoại và chủ trì tiệc tối thết đãi phái đoàn Hàn Quốc, theo Reuters.

Truyền thông quốc gia Triều Tiên đưa tin hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, gồm đề xuất họp thượng đỉnh, và đạt một "thỏa thuận tốt đẹp". Ông Kim Jong-un bày tỏ "quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai miền" và "viết trang sử mới về tái thống nhất".

Trong khi đó, trưởng phái đoàn Hàn Quốc cho biết Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, nếu nước này được đảm bảo về an ninh, và đàm phán "thẳng thắn" với Mỹ về các cách công nhận sự phi hạt nhân hóa bán đảo, bình thường hóa quan hệ song phương.

Cả Mỹ và Triều Tiên đều tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại. Lập trường của Mỹ là đối thoại phải nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, vấn đề mà Bình Nhưỡng vẫn từ chối.

Như Tâm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Trung Quốc tháng trước công bố đề xuất sửa hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước, động thái được coi là mở đường để ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau năm 2023. Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 sẽ biểu quyết về đề xuất này.

Vương Thần, Phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc, hôm qua nói với gần 3.000 đại biểu rằng đề xuất sửa hiến pháp được khởi xướng bởi ông Tập tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29/9, theo SCMP.

Ông Tập thành lập một nhóm công tác do Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang lãnh đạo. Hỗ trợ ông Trương là hai trong số các đồng minh thân cận nhất của ông Tập gồm Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh. Cả hai người đều được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017.

Ông Vương cũng tiết lộ rằng sau đại hội đảng, họ đã thu thập hơn 2.600 ý kiến ​​từ các cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng khác, ông nói. Các lãnh đạo sau đó tổ chức một vòng thảo luận và quyết định tham khảo ý kiến ​​của cán bộ đảng cấp cao đã nghỉ hưu vào tháng 12 năm ngoái. Ông Vương nói rằng tất cả những người tham gia vào quá trình "đều nhất trí ủng hộ" việc thay đổi hiến pháp.

Lần gần đây nhất hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi là vào năm 2004, khi thuyết Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân được thêm vào. Để thực hiện được điều đó, họ đã mất một năm để chuẩn bị và tham vấn, trong khi đó, đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chỉ mất 5 tháng để hoàn thành.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc giấu tên nói rằng báo cáo của ông Vương dường như là phản ứng chính thức của Bắc Kinh với những đồn đoán rằng đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ vấp phải sự phản đối trong nội bộ giới lãnh đạo. "Động thái này gây nhiều tranh cãi. Trong vài tuần qua, chúng thôi thấy có những chỉ trích và phản đối từ các nhà trí thức, doanh nhân cũng như các nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu trên khắp thế giới", ông nói.

Alexander Gabuev, chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow, nói rằng ông không tin quan chức Trung Quốc đã thu thập nhiều ý kiến về vấn đề này và cũng bày tỏ nghi ngờ về thông tin nói rằng đề xuất nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

"Tôi nghĩ đó là một quá trình bí mật, từ trên xuống dưới. Theo tôi được biết thì nhiều người không thích ý tưởng này. Việc Trung Quốc kiểm duyệt truyền thông, mạng xã hội là một dấu hiệu cho thấy điều đó", ông nói.

Các nhà phân tích tại Trung Quốc cho rằng ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo có thể đã được tham vấn. Pan Chengxin, giáo sư về chính sách đối ngoại và chính trị Trung Quốc tại Đại học Deakin ở Australia, đánh giá rằng mặc dù trong đảng Cộng sản Trung Quốc có người bất đồng ý kiến, họ sẽ không công khai bày tỏ phản đối vì điều đó sẽ cho thấy nội bộ đảng có lục đục và bị coi là động thái chống lại sự lãnh đạo của ông Tập. 

"Thông báo về đề xuất sửa hiến pháp được công bố ngay trước hai kỳ họp của quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc. Do đó, đề xuất nhiều khả năng được quốc hội Trung Quốc thông qua. Nếu đề xuất bị bác bỏ, điều đó sẽ làm các lãnh đạo hàng đầu mất mặt", Chengxin nói.

Phương Vũ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

"Triều Tiên cho biết họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và không có lý do nào để sở hữu vũ khí hạt nhân nếu mọi mối đe dọa với Triều Tiên được loại trừ, an ninh cho Triều Tiên được đảm bảo", AFP dẫn lời Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay.

Ông Chung là trưởng phái đoàn Hàn Quốc, gồm 10 người, thăm Triều Tiên trong hai ngày 5 và 6/3. Phái đoàn đã đối thoại và dùng bữa tối cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi về nước.

Theo ông Chung, Triều Tiên còn bày tỏ sẵn sàng đàm phán "thẳng thắn" với Mỹ về các cách công nhận sự phi hạt nhân hóa bán đảo và bình thường hóa quan hệ song phương. Bình Nhưỡng cũng cam kết không có hành động khiêu khích quân sự, như thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo, khi đàm phán Mỹ - Triều diễn ra.

"Triều Tiên cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường nhằm vào Hàn Quốc", ông Chung nói.

Sau chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc, Seoul và Bình Nhưỡng còn nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa lãnh đạo hai miền, tạo điều kiện để tham vấn trực tiếp, giảm căng thẳng quân sự. Ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in dự kiến có cuộc điện đàm đầu tiên trước khi Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức họp thượng đỉnh vào cuối tháng 4 tại khu an ninh chung, làng Panmunjom, ở biên giới chung.

Như Tâm

Nam sinh ký túc xá Trung Quốc đan len gây sốt mạng

 Nam sinh Trung Quốc đan len trong phòng ký túc xá. Video: Pear Video.

Không giống những sinh viên khác thường ngồi bên các chồng sách cao để chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ, một nhóm nam sinh năm ba ngành thiết kế thời trang của trường Đại học Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc vùi đầu vào những cuộn len và que đan, CGTN hôm qua đưa tin.

Trong video thu hút hơn 14.000 lượt thích trên mạng xã hội Weibo, nhóm nam sinh mỗi người một góc cặm cụi ngồi đan len trong phòng ký túc xá để kịp hoàn thành bài tập. "Ai bảo đàn ông con trai thì không thể làm việc kiên nhẫn được nhỉ. Tôi thấy mấy cậu này quá đáng yêu", tài khoản @Chenqiuyu bình luận. 

Dong Sizhuang, một trong những nam sinh đan len, cho biết làm công việc thường được quan niệm chỉ dành cho phụ nữ không khiến các cậu thấy khó khăn hay xấu hổ. "Ngành của chúng tôi là thiết kế thời trang vì vậy chúng tôi phải biết nguyên tắc đan len", Dong nói.

Theo giáo viên hướng dẫn Shen Li, việc đan len không phân biệt nam hay nữ. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng thế giới là đàn ông. Tuy nhiên trong lớp thiết kế thời trang, chỉ có 7 trong tổng số 70 sinh viên ghi danh là con trai.

Vũ Phong

Phó đô đốc Mỹ Sawyer, thứ ba từ trái sang, gặp lãnh đạo Việt Nam hôm qua. Ảnh: US Navy.

Phó đô đốc Mỹ Sawyer, thứ ba từ trái sang, gặp lãnh đạo Đà Nẵng hôm qua. Ảnh: US Navy.

Phó Đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hôm nay cho biết Washington đã cam kết với Hà Nội, về việc xem xét đưa tàu sân bay đến Việt Nam, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump tháng 11 năm ngoái. Và Mỹ đã hiện thực hóa điều đó. Hạm đội 7 là đơn vị quản lý nhóm tác chiến tàu sân bay số 1, trong đó có tàu Carl Vinson

"Chúng tôi cam kết và thực hiện lời hứa. Tôi nghĩ nó rất quan trọng vì giúp xây dựng, tăng cường niềm tin mà Mỹ cần để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam", ông Sawyer trả lời câu hỏi của VnExpress trong cuộc họp qua điện thoại với một nhóm phóng viên các nước về ý nghĩa chuyến thăm tàu sân bay Carl Vinson đến Đà Nẵng.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, cùng tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer và 6.000 thủy thủ đã vào vùng biển Việt Nam hôm qua, bắt đầu chuyến thăm kéo dài đến ngày 9/3. Đây được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson đến Việt Nam thể hiện rằng Washington ủng hộ một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng. Hai bên đang tăng cường mối quan hệ dựa trên cơ sở niềm tin và hiểu biết lẫn nhau.

"Hợp tác quốc phòng của hai nước giúp tăng cường lợi ích an ninh chung mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông, sự đề cao luật pháp quốc tế và sự công nhận chủ quyền quốc gia", bà Tarnowka nói.

Trước câu hỏi về hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông, Phó Đô đốc Sawyer đánh giá hoạt động cải tạo ở khu vực và hoạt động quân sự hóa gây nên lo ngại ở khu vực, chủ yếu do sự thiếu minh bạch, khi các nước không rõ "điều gì đang xảy ra". Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến an ninh và ổn định của khu vực. 

"Sự lo lắng và thiếu minh bạch trên biển là mối quan ngại ở khắp khu vực", ông Sawyer nói.

Giải thích rõ hơn hoạt động của tàu sân bay Carl Vinson ở Việt Nan, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, cho biết hoạt động ở tây Thái Bình Dương thể hiện Washington hoạt động theo luật quốc tế, nhiệm vụ mà Hải quân Mỹ đã thực hiện hơn 70 năm qua. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.000 người, một tàu sân bay, một đường băng, một tàu tuần dương và hai tàu khu trục.

"Mỹ tái khẳng định cam kết với các đồng minh và đối tác ở khu vực rằng Washington ở đây và ủng hộ luật pháp và các quy tắc quốc tế. Mỹ bảo đảm tự do thương mại và giúp tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", ông Fuller nói.

Nói đến kế hoạch hợp tác trong tương lai với Việt Nam, Tư lệnh Mỹ cho hay ông sẽ thảo luận chặt chẽ với Hải quân Việt Nam và trông đợi trao đổi thêm về các lựa chọn hai bên có thể thực hiện. Hải quân Mỹ và Việt Nam đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ.

"Có rất nhiều ý tưởng trong đầu tôi về thảo luận với lãnh đạo Hải quân Việt Nam. Tôi muốn chắc chắn rằng tôi hiểu điều gì mang lại lợi ích cho phía bạn và điều gì có thể thực hiện. Sau đó chúng tôi mới xúc tiến kế hoạch", ông Sawyer nói.

Phó đô đốc Mỹ nhắc lại việc ông mong tàu ngầm Mỹ có thể thăm Việt Nam trong cuộc họp báo hôm qua ở Đà Nẵng. 

Việt Anh

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ vào vịnh ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ vào vịnh ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ cùng 6.000 thủy thủ trưa 5/3 vào vùng biển Việt Nam ở Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày. Đây được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá khi đưa tàu sân bay đến Việt Nam, Mỹ muốn khẳng định sẽ duy trì sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông. Về phía Việt Nam, Hà Nội cho thấy luôn chào đón Hải quân Mỹ khi lực lượng này đóng góp vào bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực. 

"Việt Nam được chính quyền Tổng thống Mỹ Trump bảo đảm rằng họ sẽ tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện. Hà Nội phản hồi bằng cách chấp thuận tàu sân bay đến thăm kể từ sau chiến tranh", ông Thayer nói. 

Sau khi Tổng thống Trump kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam tháng 11 năm ngoái, Nhà Trắng ra tuyên bố tái khẳng định cam kết của ông với việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Ông Trump trong họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm 12/11 cho biết Mỹ vẫn giữ vững cam kết vì một châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, mong muốn các quốc gia trong khu vực tôn trọng chủ quyền của nhau, tuân thủ pháp luật và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm. Về vấn đề Biển Đông, Việt - Mỹ thống nhất chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo Giáo sư Thayer, người nghiên cứu lâu năm về an ninh khu vực, tàu Carl Vinson là trọng tâm của lực lượng tấn công của hải quân, thể hiện sức mạnh quân sự to lớn của Mỹ.

"Chuyến thăm đến Việt Nam cho thấy Mỹ có kế hoạch duy trì cam kết ở Đông Nam Á", ông Thayer nói.

Lưu ý đến thời điểm tàu Carl Vinson đến Việt Nam, ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá "pháo đài nổi" của Hải quân Mỹ đến Đà Nẵng không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Hà Nội vào cuối tháng một. Điều đó cho thấy hai nước đang gửi ra thông điệp mạnh mẽ, rằng quan hệ Việt - Mỹ đang được cải thiện ở nhiều cấp độ, kể cả lĩnh vực quân sự.

"Mỹ muốn nói rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của mình ở châu Á, còn Hà Nội coi Washington là nhân tố đóng vai trò trọng yếu ở Biển Đông", ông Hiebert cho hay.

Giáo sư Thayer dự đoán hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ đang bước vào giai đoạn mới, Việt Nam có thể tăng mua các thiết bị của Mỹ sau khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội hồi năm 2016. Khi đến thăm Mỹ tháng 5/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện mối quan tâm đến việc mua thêm thiết bị quốc phòng từ Mỹ, gồm các tàu dành cho Cảnh sát biển. Việt Nam được cho là đã chi 79 triệu USD để mua thiết bị của Mỹ. "Con số này có thể sẽ tăng lên trong năm nay", ông Thayer nói.

Tháng 12/2017, tàu tuần dương lớp Hamilton USCGC Morgenthau mà Mỹ bàn giao cho Việt Nam đã cập cảng Vũng Tàu. Tàu này mang tên CSB-8020, thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam. Đầu năm nay, Naval Today đưa tin Lực lượng Tuần duyên Mỹ dự kiến loại biên tàu tuần tra USCGC Sherman và có thể chuyển giao cho Việt Nam, theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).

Chuyên gia người Australia hy vọng việc tàu Carl Vinson đến thăm sẽ tạo tiền lệ để Việt Nam đón các chuyến thăm khác, diễn ra hàng năm. Ông Thayer đánh giá Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng cạnh tranh ở Biển Đông, nhưng hai bên sẽ thận trọng để tránh leo thang căng thẳng. Mỹ sẽ tiếp tục điều các tàu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải đến khu vực, tổ chức các diễn tập hải quân chung với các đồng minh và đối tác. Nếu như Anh đã tuyên bố sẽ thực hiện tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong năm nay, thì Australia, một đồng minh khác của Mỹ, đang đứng trước áp lực cần tham gia tuần tra chung với Washington. Trung Quốc sẽ giám sát các tàu tuần tra này nhưng sẽ không ngăn cản các tàu chiến quốc tế đi vào Biển Đông, ông Thayer dự đoán.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, nhận định chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ thể hiện hai bên đã "thấy thoải mái hơn trong các các hoạt động hợp tác quốc phòng quy mô lớn". 

"Đây là một kết quả tự nhiên, nhưng không hề dễ dàng có được, từ nỗ lực liên tục của hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ quốc phòng song phương trong suốt 10 năm qua", ông Hiệp nói.

Chuyên gia của ISEAS khuyến cáo Việt Nam và Mỹ cần tận dụng "đà" từ sự kiện tàu sân bay để biến các hoạt động hợp tác quy mô lớn thành một trạng thái "bình thường mới". Các hoạt động đó bao gồm các chuyến thăm thường xuyên của tàu chiến Mỹ, gồm tàu sân bay, các cuộc tập trận chung, hoạt động mua bán trang thiết bị, vũ khí, sản xuất chung vũ khí và trang thiết bị quân sự. Việc “bình thường hoá” và thể chế hoá các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao sẽ giúp hai bên làm sâu sắc hơn và thực chất hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện, giúp hai bên đối phó tốt hơn với những thách thức an ninh mới, phát sinh từ những thay đổi đáng lo ngại trong bối cảnh địa chiến lược khu vực hiện nay.

"Việt Nam và Mỹ không nên lo lắng rằng các hoạt động như vậy sẽ làm mếch lòng một bên thứ ba, miễn là chúng không gây ra các mối đe dọa trực tiếp cho bên đó", ông Hiệp nói.

Việt Anh

Gió thổi tung mái che sân bay Trung Quốc

Sân bay Changbei ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, bị gió mạnh thổi hôm 4/3, theo báo Huashang Daily. Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, hành khách la hét, bỏ chạy sau khi vật liệu lợp trên lối vào sảnh đi rơi xuống trong trận gió.

Đài dự báo thời tiết cho hay gió đạt vận tốc hơn 30 m/s, tương đương trận bão mạnh. Không có người bị thương trong vụ việc.

Một phát ngôn viên ssân bay cho biết các chuyến bay bị hoãn trong chốc lát vì gió chỉ thổi trong khoảng thời gian ngắn. Sân bay hôm nay hoạt động bình thường. 

Sân bay đi vào hoạt động năm 1996 và đã phục vụ hơn 10,9 triệu khách trong năm ngoái. 

Trọng Giáp

Yasumasa Shibuya, nghi phạm

Yasumasa Shibuya, nghi phạm sát hại bé Linh. Ảnh: Kyodo.

Toà án Quận Chiba hôm nay thông báo phiên toà xét xử Yasumasa Shibuya sẽ bắt đầu từ ngày 4/6, theo Kyodo

Shibuya, 46 tuổi, bị truy tố tội sát hại bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, và các tội danh khác, trong đó có bỏ lại thi thể bé. Shibuya là trưởng hội phụ huynh địa phương vào thời điểm bé Linh mất tích. 

Các công tố viên cho biết Shibuya đã bóp cổ bé gái lớp ba và bỏ thi thể bé gần một con mương, sau khi bắt cóc bé bằng ô tô vào sáng 24/3/2017. Nạn nhân mất tích ngay sau khi rời nhà, đi bộ đến trường. 

Shibuya từ chối nói về vụ án kể từ khi bị bắt hồi tháng 4, các nguồn tin điều tra cho biết. Luật sư của người này cũng từ chối bình luận. 

Trọng Giáp

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

"Một cuộc chiến thương mại sẽ không đem lại lợi ích cho người Đức, châu Âu hay Mỹ", AFP dẫn lời Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm nay nói tại Berlin sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước doạ áp thuế quan với xe ôtô nhập từ Liên minh châu Âu (EU). 

"Tự bế quan và chủ nghĩa bảo hộ là con đường sai lầm", Seibert nói. "Những biện pháp này sẽ gây tổn hại cho dòng thương mại quốc tế và nền công nghiệp của chúng ta, nhưng trên hết, gây tổn hại đến các công nhân và người tiêu dùng ở cả hai bên Đại Tây Dương". 

Tuần trước, Brussels nêu khả năng về một cuộc chiến thương mại trả đũa Mỹ, cho biết Bỉ sẽ áp thuế biên giới với các sản phẩm như xe môtô phân khối lớn, nước cam, quần bò, nếu ông Trump áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. 

Trọng Giáp

Tổng thống Nga Vladmir Putin. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladmir Putin. Ảnh: Reuters.

Interfax dẫn lời ông Sergei Ryabkov hôm nay cho rằng Mỹ đang tìm cách gây hỗn loạn tại Nga. Ông cũng nói thêm các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt chủ yếu nhằm gây bất ổn nước này. Tuy nhiên, ông không cung cấp bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố này.

Theo thứ trưởng Ngoại giao Nga, chính sách của Mỹ gây bất ổn tại một số nước, như Ukraine, Libya, và Washington sẵn sàng làm điều tương tự với Moscow, do coi Nga là mối đe doạ lớn với sự thống trị toàn cầu của nước này. Ông Ryabkov cho rằng những ưu tiên của Mỹ được nêu rõ trong các học thuyết hạt nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia sửa đổi. 

"Trong những năm qua, số âm mưu can thiệp công việc nội bộ của chúng ta luôn gia tăng trước thềm các cuộc bầu cử tổng thống cũng như trước bầu cử quốc hội", Tass dẫn lời ông Ryabkov nhấn mạnh. "Xu hướng đó cũng được thấy trong chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay. Bộ Ngoại giao đang ghi chép chúng, các cơ quan của chúng tôi đang xử lý vấn đề này". 

Nga sẽ tổ chức bầu cử tổng thống ngày 18/3 tới, trong bối cảnh các cuộc khảo sát cho thấy ứng viên tổng thống Vladimir Putin có thể dễ dàng chiến thắng. 

Các cơ quan tình báo Mỹ trước đó cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, điều Nga bác bỏ. Moscow đã chịu những lệnh trừng phạt mới của Mỹ vì vấn đề này. 

Trọng Giáp

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Tàu sân bay Carl Vinson diễn tập cùng tàu chiến Nhật

 Tàu Carl Vinson diễn tập cùng các chiến hạm Nhật gần Triều Tiên tháng 4/2017. Video: US Navy.

Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng hai tàu chiến hộ tống của hải quân Mỹ hôm nay sẽ tiến gần cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài từ 5/3 đến 9/3 với nhiều hoạt động giao lưu quân sự, văn hóa giữa hai nước. Sự kiện này thu hút sự chú ý rất lớn của truyền thông Mỹ và thế giới.

Đề cập đến "chuyến thăm lịch sử" tới Việt Nam của tàu sân bay Mỹ, CNN khẳng định đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ neo đậu tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh với Mỹ kết thúc hơn 40 năm trước. Tờ báo này cũng nhắc lại quan điểm của phía Mỹ về chuyến thăm Đà Nẵng của tàu Carl Vinson cùng 5.000 thủy thủ là "cơ hội lịch sử để tăng cường mối quan hệ đang đơm chồi nảy lộc giữa hai cựu thù".

Tàu sân bay Carl Vinson sẽ neo đậu cách bờ hai hải lý tại cảng Đà Nẵng, nơi lính Mỹ lần đầu tiên đổ bộ lên lãnh thổ Việt Nam trong chiến tranh, biến đây thành một địa danh mang tính biểu tượng cao, theo BBC. Hãng tin này cũng cho rằng chuyến thăm của tàu Carl Vinson thể hiện mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa Việt Nam và Mỹ.

Tờ Express của Anh đề cập chi tiết lịch trình hoạt động của các thủy thủ Mỹ trong chuyến thăm, gồm tới thăm một trại trẻ mồ côi và trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Đây là loại chất độc mà quân đội Mỹ từng sử dụng phổ biến trong chiến tranh ở Việt Nam, khiến nhiều thế hệ người dân ở đây hứng chịu các hậu quả nặng nề về sức khỏe như ung thư, khuyết tật bẩm sinh cùng nhiều vấn đề về thần kinh và tâm lý khác.

Các hoạt động trao đổi văn hóa khác như ẩm thực và thể thao cũng sẽ diễn ra giữa các quân nhân trên tàu sân bay Mỹ với cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.

Tờ Telegraph cho hay chuyến thăm đến Việt Nam của tàu Carl Vinson nằm trong khuôn khổ đợt diễn tập ứng phó thảm họa đa quốc gia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đồng thời là nỗ lực khẳng định sự hiện diện và cam kết của Mỹ trong khu vực.

New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ, cho rằng chuyến thăm này của tàu Carl Vinson đánh dấu một mốc mới trong mối quan hệ đang ngày càng được cải thiện giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực đang có những thay đổi lớn.

"Đây là một bước tiến lớn mang tính lịch sử, bởi không một tàu sân bay Mỹ nào có mặt ở đây suốt 40 năm qua", NYTimes dẫn lời Chuẩn đô đốc John V. Fuller, chỉ huy cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, người có bố từng tham chiến ở Việt Nam.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều đã luôn làm từ trước tới nay, đó là thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", ông Fuller nhấn mạnh.

Trang bị, vũ khí trên tàu sân bay Carl Vinson. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Trang bị, vũ khí trên tàu sân bay Carl Vinson. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Tờ báo nhắc lại thực tế rằng nhiều tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Việt Nam kể từ tháng 11/2003, khi tàu hộ tống USS Vandegrift lần đầu tiên cập cảng Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên, chuyến thăm của tàu sân bay thuộc về "một cấp độ khác", đặc biệt là khi nó diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh trên Biển Đông nói riêng và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung đang có những diễn biến phức tạp.

Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện hải quân tích cực ở Đông Nam Á, trong nỗ lực nhằm đảm bảo Biển Đông luôn "mở và tự do" bởi đây là nơi luồng hàng hóa thế giới trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm.

Các tàu chiến Mỹ trong những năm qua cũng thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp tại khu vực này, Mỹ luôn nhấn mạnh sự hiện diện hải quân trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, bảo vệ những điều kiện hòa bình, ổn định đã được hình thành và duy trì từ sau Thế chiến II.

"Đó là môi trường ổn định để bạn có thể thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Fuller nói. "Tôi cho rằng chúng tôi đã góp phần tạo ra môi trường đó để tạo điều kiện cho 70 năm tăng trưởng của khu vực".

Cơ hội hợp tác quốc phòng song phương

Tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Tờ WSJ thì đánh giá chuyến thăm này của tàu Carl Vinson đánh dấu "mức cao nhất trong quan hệ Việt – Mỹ" suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời coi đây là "thắng lợi" của Mỹ trong nỗ lực duy trì hiện diện và ảnh hưởng về kinh tế, quân sự tại Đông Nam Á.

Theo hãng tin UPI, Mỹ coi chuyến thăm này là cơ hội quý giá để tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam giải quyết những vấn đề chung mà hai nước và cả khu vực đang đối mặt, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và tự do hàng hải.

Reuters cho rằng tàu Carl Vinson đến Đà Nẵng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phát tín hiệu rằng Mỹ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường từ năm 2016, khi ông Obama quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Dưới thời Trump, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước tiếp tục phát triển, mặc dù Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 11/2017, ông Trump đã đề cập đến khả năng bán tên lửa và các tổ hợp vũ khí hiện đại cho Việt Nam. Một tháng sau, Chiến lược An ninh Quốc gia do chính quyền Trump công bố coi Việt Nam là "đối tác hợp tác hàng hải". Đến tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam, đặt nền tảng cho chuyến thăm Đà Nẵng của tàu Carl Vinson.

Reuters nhận định điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho hợp tác quân sự Việt – Mỹ, trong bối cảnh Hà Nội cần nhiều nguồn lực để bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, an toàn hàng hải.

Theo Derek Grossman, chuyên gia tại tổ chức tư vấn RAND, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ chưa rõ sẽ đi xa đến mức nào sau chuyến thăm lịch sử của tàu Carl Vinson, nhưng mối quan hệ này "nhiều khả năng sẽ tập trung vào những phương cách giúp Việt Nam tăng cường nhận thức khu vực hàng hải và năng lực an ninh trên biển".

Trí Dũng

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trước quốc hội ngày 5/3. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trước quốc hội ngày 5/3. Ảnh: AFP.

"Chúng tôi sẽ cứng rắn trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, không bao giờ tha thứ các âm mưu hay hoạt động ly khai cho 'Đài Loan độc lập'", Reuters dẫn báo cáo do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc hôm nay trước phiên họp thường niên quốc hội Trung Quốc.

Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất nếu cần. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từ chối công nhận hòn đảo là một phần của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng sẽ "thúc đẩy tái thống nhất hòa bình Trung Quốc", báo cáo cho biết thêm. Trung Quốc tiếp tục duy trì nguyên tắc "Một Trung Quốc", thúc đẩy "phát triển hòa bình" giữa hai bên.

Đài Loan hiện chưa có bình luận.

Trung Quốc tuần trước lên tiếng phản đối sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua một dự luật đi lại với Đài Loan, khuyến khích các chuyến thăm "mọi cấp độ" giữa Washington và Đài Bắc. Dự luật hiện chỉ cần Tổng thống Mỹ Donald Trump ký để có hiệu lực.

Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979, sau khi công nhận chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, Washington vẫn duy trì một cách tiếp cận chưa rõ ràng với Đài Bắc, giữ quan hệ thương mại và bán vũ khí cho hòn đảo.

Ông Trump từng vấp phải sự phản đối của Trung Quốc không lâu sau khi đắc cử tổng thống Mỹ do nghe điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, động thái được coi là vi phạm quy tắc "Một Trung Quốc".

Như Tâm

Một tàu chở dầu. Ảnh: Japan Marine United Corporation.

Một tàu chở dầu. Ảnh: Japan Marine United Corporation.

Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) Nhật Bản cần một tàu chở dầu đủ khả năng chở 300.000 thùng nhiên liệu tới cảng White Beach, Okinawa, nơi Tokyo lưu trữ nhiên liệu cho tàu chiến tuần tra trong khu vực, Reuters dẫn lời hai nguồn tin hiểu kế hoạch nói hôm nay.

Theo các nguồn tin, tàu chở dầu dự kiến tốn "vài chục triệu yen" và có thủy thủ đoàn lên tới 20 người. Kế hoạch mua tàu sẽ được bao gồm trong đánh giá mua sắm quốc phòng giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ tháng 4/2019. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận.

"Sẽ mất rất nhiều thời gian để các tàu trở về căn cứ tại Kyushu để tiếp dầu. Do đó, ngày càng có nhiều tàu chọn Okinawa", một nguồn tin nói.

"Hoạt động ở White Beach đã tăng 3 - 4 lần và không có đủ không gian để mở rộng sức chứa", nguồn tin thứ hai, vừa thăm White Beach, cho biết. Cơ sở White Beach được cung cấp dầu bởi các hãng vận tải biển thương mại, thường cần hai tháng để hoàn thành một hợp đồng.

Vị trí quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: BBC.

Vị trí quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: BBC.

Việc quản lý kho nhiên liệu trở nên khó khăn hơn đối với MSDF do hoạt động trên biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gia tăng. Nhật Bản muốn tăng cường tuần tra trên biển để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại đây.

Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền với quần đảo.

Như Tâm

Trung tá Hiền Trịnh tại phòng Nha khoa trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Rated Red

Trung tá Hiền Trịnh tại phòng Nha khoa trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Rated Red

Ông Hiền, 45 tuổi, sinh ra ở Sài Gòn, sang Mỹ định cư cùng cha mẹ và 5 anh chị em từ lúc mới hai tuổi. Sau khi cùng một tàu cá lênh đênh trên biển, gia đình ông được tàu Hải quân Mỹ tiếp nhận và đến East Lansing, Michigan sinh sống.

Như một cách trả ơn, ông trở thành bác sĩ nha khoa phục vụ trong Hải quân Mỹ suốt nhiều năm nay. Ông từng làm việc trên ba tàu Hải quân nhỏ trước khi trở thành nha sĩ phụ trách chăm sóc răng miệng cho đoàn thủy thủ trên siêu tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson. Ông nằm trong đoàn quân nhân Mỹ đến vịnh Đà Nẵng để thăm hữu nghị Việt Nam từ hôm nay đến ngày 9/3. 

"Thật tuyệt khi trở thành một nha sĩ trên con tàu này. Tôi nghĩ đây là công việc tốt nhất của mình", ông Hiền nói trong một cuộc phỏng vấn với Rated Red năm 2016. "Tôi có những bệnh nhân tuyệt vời, những người giám sát luôn hỗ trợ hết sức khi tôi cần. Quan trọng nhất là tôi có thể theo đuổi lĩnh vực nha khoa theo cách mà mình muốn".

Theo 92131 Magazine, vợ ông Hiền là Evelyne Vu Tien, một bác sĩ nhi, cũng là người gốc Việt, sinh ra ở Paris, Pháp và lớn lên tại vịnh San Francisco, bang California.

Hai người quen nhau thông qua nhóm bạn chung. Trong một chuyến tình nguyện khám nha cho các trẻ em mồ côi ở Việt Nam, họ đã về thăm nơi gia đình mình sinh sống và phát hiện ra cha mẹ họ từng là hàng xóm tại Hà Nội, đồng thời có nhiều bạn bè chung. 

Không lâu sau, hai người kết hôn. Họ hiện có hai bé gái là Reagan Mai Trịnh, 8 tuổi, và Josephine Trịnh, 5 tuổi, định cư tại thành phố San Diego, California.

Gia đình trung tá Hiền Trịnh. Ảnh: 92131magazine

Gia đình trung tá Hiền Trịnh. Ảnh: 92131magazine

Đôi vợ chồng bác sĩ luôn sẵn lòng giúp đỡ những người không có cơ hội được chăm sóc răng. "Trước khi có con, chúng tôi đã cùng đi tình nguyện tại Việt Nam, Mexico và những nơi mà nha khoa kém phát triển", Evelyne nói. Cô hiện là đại diện của Hội Nha khoa Mỹ tại các trường học địa phương và tham gia tổ chức từ thiện chăm sóc răng miệng cho trẻ em TeamSmile.

Gia đình gốc Việt này thích đi bộ, leo núi trong nhà, thăm các vườn thú... "Chồng tôi thích nấu ăn và tôi thích chơi với bọn trẻ", vợ ông Hiền kể.

Evelyne cho hay chồng cô thường xuyên theo Hải quân Mỹ đi làm xa nhà. Trong những khoảng thời gian đó, cô nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ đẻ, hàng xóm và cộng đồng xung quanh.

Anh Ngọc

Bài viết theo tháng

Popular Posts

Liên kết