Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Ông Carles Puigdemont trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP.

Ông Carles Puigdemont trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP.

"Tôi không ở đây để đề nghị tị nạn chính trị", Telegraph dẫn lời ông Carles Puigdemont hôm nay nói trong cuộc họp báo tại Brussels, xung quanh có các cựu quan chức trong chính quyền bị giải tán của ông. "Tôi ở Brussels, thủ đô của châu Âu. Tôi ở đây để hành động một cách tự do và an toàn".

Ông Puigdemont tránh né câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có quay lại Tây Ban Nha hay không, nơi ông có thể bị cáo buộc tội nổi loạn và xúi giục nổi loạn, có thể dẫn đến án tù tới 30 năm. 

Khi bị hỏi dồn khi nào ông sẽ quay trở lại Barcelona, Puigdemont nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm sự bảo đảm từ Madrid. Việc chúng tôi có trở về Catalonia hay không sẽ phụ thuộc vào điều này. Chúng tôi không tránh né pháp quyền và chúng tôi sẽ không trốn tránh trách nhiệm, nhưng chúng tôi cần sự đảm bảo". 

Cựu thủ hiến Catalonia cũng cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực, gây ra "hỗn loạn" khi ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai bất hợp pháp ngày 1/10. 

Ông Puigdemont đang tham vấn với các luật sư tại Brussels về lập trường của ông, sau khi chính phủ Tây Ban Nha kích hoạt điều 155 hiến pháp để đưa Catalonia trở về dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. 

Đây là lần đầu tiên Puigdemont phát biểu trước công chúng kể từ khi bị phế truất. Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát trực tiếp vùng Catalonia giàu có ở đông bắc nước này hồi cuối tuần trước, sau khi ông Puigdemont lãnh đạo chính quyền địa phương tuyên bố thành lập nước cộng hoà mới. Chính phủ Tây Ban Nha đã phế truất ông cùng nội các ngay lập tức, giải tán nghị viện khu vực và kêu gọi bầu cử sớm. 

Trọng Giáp

Ông Trump trên máy bay chuyên cơ Không lực Một. Ảnh:

Ông Trump trên máy bay chuyên cơ Không lực Một. Ảnh: CBSNews

"Tổng thống sẽ không thăm khu phi quân sự (DMZ). Không có đủ thời gian", CNN dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ hôm nay nói.

Nhà Trắng phải chọn giữa chuyến thăm DMZ hoặc chuyến thăm Trại Humphreys, căn cứ quân sự chung Mỹ - Hàn, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mời ông Trump tới thăm.

Quan chức cho rằng Nhà Trắng cảm thấy Trại Humphreys "sẽ có ý nghĩa hơn, xét về thông điệp của Tổng thống", bằng cách thu hút sự chú ý đến "vai trò của Hàn Quốc trong việc chia sẻ gánh nặng ủng hộ liên minh thiết yếu này".

Quan chúc này cũng nhấn mạnh phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều đã thăm DMZ và kết luận: "Thành thật mà nói thì nó đang trở nên hơi sáo mòn". 

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến rời Washington, bắt đầu chuyến thăm châu Á vào ngày 3/11 và kết thúc vào ngày 14/11. Đây là chuyến công du tới châu Á dài nhất mà một tổng thống Mỹ thực hiện suốt hơn 25 năm qua. Theo lịch trình, ông Trump sẽ tới Hawaii, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Trọng Giáp

may-bay-trung-quoc-bi-nghi-dien-tap-nem-bom-dao-guam

Một máy bay ném bom H6 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc đã triển khai các máy bay ném bom tới khu vực lân cận vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương và thực hành diễn tập tấn công hòn đảo này, Defense One hôm nay đưa tin.

Theo các quan chức, trong quá trình diễn tập ném bom, các oanh tạc cơ của Trung Quốc cũng bay gần không phận thuộc bang Hawai của Mỹ. Phía Trung Quốc chưa có bình luận nào về thông tin này. 

Guam là một tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các khí tài không quân chiến lược đóng tại căn cứ Andersen trên đảo giúp duy trì sự hiện diện của oanh tạc cơ Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp phô trương sức mạnh của Washington và đồng minh trước Bình Nhưỡng.

Triều Tiên từng đe dọa sẽ phóng nhiều tên lửa đến vùng biển xung quanh đảo này để đáp trả lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù căng thẳng với Triều Tiên chưa được xoa dịu, xung đột với nước này vẫn được coi là "cuộc chiến chúng ta có thể thắng", các quan chức nói. Tuy nhiên Trung Quốc lại là "một thách thức lâu dài" và đáng quan ngại của Mỹ trong khu vực.

Nguyễn Hoàng

Attendees look at a model of a Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. ship at the companys booth during an exhibition in Langkawi, Malaysia, in March 2015. | BLOOMBERG

Người tham quan nhìn mô hình tàu của công ty Daewoo tại gian hàng của tàu trong một triển lãm ở Malaysia năm 2015. Ảnh: Bloomberg.

"Chúng tôi gần như chắc 100% rằng các tin tặc Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng, lấy trộm những tài liệu nhạy cảm của công ty", Reuters dẫn lời Kyung Dae-soo, nghị sĩ đảng Hàn Quốc tự do, đảng đối lập chính ở nước này, hôm nay cho biết.

Công ty đóng tàu Daewoo đã đóng nhiều tàu chiến Hàn Quốc, trong đó có một tàu lớp Aegis và các tàu ngầm. Nhiều khả năng Triều Tiên đã thu thập thiết kế của chúng, ông nói. 

Vụ tấn công mạng được một đơn vị phụ trách điều tra tội phạm mạng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát hiện. Ông Kyung đã nghe báo cáo về cuộc điều tra. Tuy nhiên, đội điều tra không hé lộ các tài liệu nhạy cảm hay có tính bảo mật đến đâu. Báo Dong-A Ilbo đưa tin có khoảng 60 tài liệu quân sự mật trong số 40.000 tài liệu bị trộm từ công ty đóng tàu. 

Phát ngôn viên công ty đóng tàu Daewoo cho biết đến hôm nay bà vẫn chưa hay biết về vấn đề và công ty đang trong quá trình xác minh chi tiết phát ngôn của ông Kyung. 

Đội điều tra đi đến kết luận Triều Tiên tấn công mạng công ty này vì phương thức rất giống các cuộc tấn công khác mà Triều Tiên được cho là đứng đằng sau. Triều Tiên thường bị cho là dính líu đến các cuộc tấn công mạng ở Hàn Quốc hay những nơi khác nhưng Bình Nhưỡng hoặc phớt lờ hoặc bác bỏ các cáo buộc. 

Trọng Giáp

Người biểu tình cầm cờ Tây Ban Nha, thể hiện sự giận dữ với việc Catalonia tuyên bố độc lập. Ảnh: AP.

Người biểu tình cầm cờ Tây Ban Nha, thể hiện sự giận dữ với việc Catalonia tuyên bố độc lập. Ảnh: AP.

"Đây là công việc nội bộ của Tây Ban Nha và cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng hiến pháp và pháp luật, vì sự thống nhất và ổn định của Tây Ban Nha", bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm nay cho biết trong thông cáo. Bà Hằng bình luận về những diễn biến gần đây liên quan đến vùng Catalonia. 

Các quốc gia đồng minh của Tây Ban Nha ở châu Âu và Mỹ trước đó đồng loạt đứng về phía Madrid, sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuần trước có hành động chưa từng có trong lịch sử khi sử dụng điều 155 hiến pháp để phế truất thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, giải tán nghị viện của ông và trực tiếp kiểm soát khu vực này sau khi nghị viện bỏ phiếu tuyên bố độc lập. 

Ngoài việc nắm quyền kiểm soát lực lượng dân sự, cảnh sát, tài chính Catalonia, ông Rajoy cũng dùng điều khoản để kêu gọi tổ chức bầu cử ở Catalonia vào ngày 21/12. 

Trưởng công tố viên Tây Ban Nha Jose Manuel Maza hôm qua tuyên bố ông sẽ đề nghị toà án quốc gia truy tố 14 thành viên trong chính quyền của ông Puidgdemont vì thúc đẩy tuyên bố độc lập bất chấp hiến pháp và toà án hiến pháp Tây Ban Nha. 

Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng 4 thập kỷ qua tại Tây Ban Nha bắt đầu từ đầu tháng này, khi vùng tự trị Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả trưng cầu cho thấy 90% trong 2,26 triệu cử tri Catalonia đi bỏ phiếu đồng ý ly khai vùng đất này khỏi Tây Ban Nha. Madrid phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng nỗ lực ly khai của Catalonia là vi phạm hiến pháp.

Trọng Giáp

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Trong tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên công du châu Á kể từ khi nhậm chức. Người dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines thể hiện sự chào đón dành cho ông chủ Nhà Trắng, Reuters ngày 31/10 đưa tin.

Chuyến công du của ông Trump bắt đầu ở Nhật Bản vào ngày 5/11. Người dân Tokyo kỳ vọng đây sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước bàn cách hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. "Tôi muốn ông Abe và ông Trump đàm thoại về duy trì hòa bình, tìm cách ngăn chặn chiến tranh xảy ra", Hirotaka Shibata nói.

Trong những tháng vừa qua Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa qua Nhật Bản và thử hạt nhân lần thứ sáu. Bình Nhưỡng cũng đe dọa "nhấn chìm" Nhật xuống biển đồng thời khẳng định quyết tâm cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ bằng cách phát triển kho vũ khí hạt nhân toàn diện.

"Tôi muốn ông Trump có cuộc nói chuyện thẳng thắn với Thủ tướng Shinzo Abe và tiết lộ quan điểm về tình hình bán đảo Triều Tiên để người dân có thể cảm nhận được tình hình đang được xử lý ổn thỏa",

Công dân Tokyo Fumihiko Nakamura cho rằng tình hình hiện nay "khó khăn" và nếu có chiến tranh, Nhật sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề, do là nước láng giềng của Triều Tiên.

"Chúng tôi (những người dân thường) không nhất thiết phải biết hết các chi tiết, nhưng tôi muốn Tổng thống Trump nói chuyện thẳng thắn với Thủ tướng Nhật Bản và thể hiện rõ ông nghĩ gì (về tình hình Triều Tiên), để chúng tôi cảm thấy yên tâm rằng tình hình đang được xử lý ổn thỏa".

Trong khi đó, người dân Hàn Quốc, nơi ông Trump tới thăm vào 7/11, dự đoán chuyến thăm có thể khiến Triều Tiên phóng tên lửa hay thử hạt nhân. Jeong Hee-jung, 35 tuổi, hy vọng ông Trump sẽ kiềm chế bình luận khiêu khích nhằm vào Bình Nhưỡng khi có mặt ở Seoul.

"Sẽ không có chiến tranh vì Trump đến. Tuy nhiên, có thể có thêm các vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, giống như những gì chúng ta đã thấy. Khi ông Trump đến, tôi hy vọng ông ấy không có hành động hay bình luận khiêu khích gì đối với Triều Tiên", Jeong nói.

Tuy nhiên, Shin Eu-sup, 63 tuổi, lại cho rằng trong tình hình cấp bách hiện nay, khi Hàn Quốc đang nằm dưới sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, phải "chống lại vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân".

"Điều này không có nghĩa là chính phủ của chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn. Vì vậy tôi chào đón chuyến thăm của ông Trump, bởi Hàn Quốc và Mỹ có thể trở nên gần gũi hơn, để đất nước chúng tôi có thể đối mặt với hạt nhân bằng hạt nhân và sức mạnh bằng sức mạnh trong tình hình cấp bách hiện nay."

Với người dân Trung Quốc, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ bắt đầu từ ngày 8/11 là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng có cái nhìn mới về Trung Quốc. "Tôi nghĩ ông ấy sẽ nhìn thấy đất nước, con người Trung Quốc hiện nay. Ông Trump nghĩ có thể chấn hưng sự vĩ đại của nước Mỹ nhưng trong tương lai Trung Quốc có thể còn vĩ đại hơn cả Mỹ", Luo Min, giáo viên 32 tuổi, nói.

Tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam ngày 10-11/11 dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng và thăm chính thức Hà Nội

"Tôi nghĩ ông ấy là một người đàn ông rất quyền lực với tham vọng biến nước Mỹ thành một siêu cường của thế giới", Vu Thi Hong Hanh, 18 tuổi, sinh viên y khoa tại Hà Nội, cho biết.

"Tôi thích tính cách của ông ấy vì ông ấy dám phát ngôn và nói ra suy nghĩ của mình", nhiếp ảnh gia Đoàn Đức Long nói.

Philippines sẽ là chặng dừng chân cuối của Tổng thống Mỹ trong hai ngày 12-13/11. Theo người dân Manila, Tổng thống Rodrigo Duterte đánh giá cao Tổng thống Trump song có xu hướng nghiêng về Trung Quốc. "Ông ấy thích Trung Quốc hơn", ngư dân Benhur Balasbas nói.

Vũ Phong

Charles Woo Rya, người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Mirror.

Charles Woo Ryu, người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Mirror.

Ở tuổi 24, Charles Woo Ryu trông như bao thanh niên đang thực tập ở tổ chức từ thiện tại Los Angeles, Mỹ, nhằm giúp người Triều Tiên đào tẩu. Nhưng người đàn ông trẻ tuổi này có những trải nghiệm khó quên trong hành trình trốn sang Mỹ, Mirror ngày 26/10 đưa tin.

Charles sinh ra trong tầng lớp đáy của xã hội Triều Tiên. Cậu từng bị người bố Trung Quốc bỏ rơi. Trước năm 11 tuổi, mẹ cậu bà Jen Jin Hee qua đời. Số phận định sẵn cho cậu con đường học, nhập ngũ và sau đó là làm công việc đồng áng suốt phần đời còn lại. 

Theo Charles, đói là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Triều Tiên. Tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi năm 2009, chính phủ đột ngột tuyên bố giảm giá đồng nội tệ. Quyết định khiến khoản tiết kiệm nhiều người tích cóp mất giá. 

Nhưng thiếu ăn không phải là bức tranh chung trong xã hội Triều Tiên ngày đó. "Có một tầng lớp 'trung thành' không phải lo về đói ăn, họ không phải bỏ bữa", Charles nói. Với cậu, họ là những người béo và mặc đẹp. Trước sự kiện đồng tiền hạ giá, những gia đình này đã mua sẵn thực phẩm và hàng hóa để dự trữ.

Phần lớn người Triều Tiên như Charles không biết về cuộc sống ngoài làng. Họ không có Twitter, Google, Facebook và Internet bị chặn. Song nhờ người anh kế ở Trung Quốc, Charles có được những đĩa DVD của điện ảnh Hollywood, của Hàn Quốc. "Tôi khóa cửa, nằm dưới chăn với các bạn tôi, vặn loa nhỏ nhất có thể", Charles kể.

Phim ảnh nước ngoài bị cấm ở Triều Tiên vì bị cho là sản phẩm tuyên truyền và nhằm biến người Triều Tiên thành nô lệ. Charles cho biết tất cả nội dung được chiếu trên truyền hình trong nước đều liên quan đến các lãnh đạo.

Cảnh sát Triều Tiên thẳng tay trừng trị những người lén tiếp xúc với văn hóa phẩm ngoại quốc. "Trước khi đến nhà bạn, họ cắt điện để đĩa DVD bị kẹt trong đầu đĩa", Charles nói. Nếu không có tiền hối lộ, người bị phát giác sẽ phải vào trại cải tạo lao động 10 năm.

Năm 13 tuổi, học sinh trong trường Charles phải chứng kiến cảnh một người đàn ông bị trói vào cọc gỗ, bị trừng phạt do có liên hệ với Hàn Quốc. 

Charles (giữa) thời trẻ. Ảnh: Charles Woo Rya.

Charles (giữa) thời thiếu niên. Ảnh: Charles Woo Ryu.

Cuộc sống của Charles bước sang một giai đoạn khác khi cậu được bố lén đưa sang Trung Quốc năm Charles 14 tuổi. "Tôi có thể ăn những thứ tôi muốn, xem những gì tôi muốn", Charles nói.

Tuy nhiên, khi cảnh sát Trung Quốc trả cho người dân hơn 75 USD để báo về người Triều Tiên đào tẩu, Charles cùng hàng trăm người Triều Tiên khác, bị bắt và đưa trở lại Triều Tiên.

14 tuổi, Charles vào trại lao động cải tạo vì tội cố trốn khỏi Triều Tiên với thời gian chấp hành án không xác định. "Tôi còn là một đứa trẻ, mọi người nói tôi sẽ ổn thôi, cứ nói với họ cháu không biết gì chỉ muốn đi tìm thức ăn", Charles kể.

Triều Tiên bác bỏ sự tồn tại các trại  cải tạo lao động ở nước này. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2014 ước tính có 120.000 người bị giam giữ trong những trại cải tạo lao động ở Triều Tiên.

Cái đói theo cậu bé Charles vào trại cải tạo lao động. Cậu chỉ được phát một nắm ngô mỗi ngày dù làm việc cực khổ 18 tiếng. "Họ ngâm ngô trong nước lâu đến mức ngô nở gấp đôi kích thước ban đầu", Charles nói. 

Quá đói, Charles ăn cả cây có độc. Cậu ốm, tiêu chảy và không mở nổi mắt. "Tôi nghe thấy một người quản trại lớn tiếng 'sao các anh không trả người này về nhà, cậu ta thậm chí không thể làm việc'", Charles kể.

Một quản trại cùng quê Charles đến đưa cậu về nhà. 16 tuổi, Charles trở lại xã hội với một tương lai mờ mịt. Cậu thuộc tầng lớp thấp của xã hội, không bố mẹ và bị kết án cố trốn khỏi Triều Tiên.

Lựa chọn duy nhất Charles có là làm việc ở mỏ than, nơi các đường hầm được những thiếu niên không có tay nghề dựng nên. Làm việc ở môi trường nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn sập hầm, Charles chỉ nhận được bát cơm nhỏ mỗi ngày, không có tiền lương. 

Năm 2011, Charles quyết định đào tẩu khi 17 tuổi. Trốn khỏi mỏ than, cậu đi lậu vé tàu hỏa đến biên giới Trung Quốc. Charles theo dòng người Triều Tiên vượt khúc sông sâu và chảy mạnh vào Trung Quốc, suýt đuối nước khi trượt ngã vào đá.

Sang được bờ bên kia với hành trang còn lại chỉ là quần áo, Charles đi lang thang vào rừng vì sợ bị bắt và đưa trở lại Triều Tiên. Một người đàn ông Trung Quốc phát hiện Charles nằm đói lả bên đường đưa cậu về nhà, cho ăn và uống thuốc.  

Một người truyền giáo Hàn Quốc được ông liên hệ giúp đưa Charles lên xe buýt để tới nhà bố đẻ ở Trung Quốc. Gia đình quyết định đưa Charles vượt biên sang Mỹ để xin tỵ nạn. "Dù tôi gặp nhiều nỗi buồn và gian truân, Chúa và nhiều người khác đã luôn giúp tôi dọc đường", Charles nói.

Theo Charles, bất chấp Triều Tiên và Mỹ đang đứng trước nguy cơ chiến tranh, người dân Triều Tiên muốn hòa bình bởi phần lớn trong 25 triệu dân đang sống cảnh thiếu ăn.

"Giờ đây ngồi cùng gia đình nhận nuôi tôi, dùng bữa trong thanh bình, không ai đuổi theo tôi... Đó là lúc tôi nhận ra đây là hòa bình", Charles nói.

Vũ Phong

Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo Catalonia. Ảnh: Reuters.

Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo Catalonia. Ảnh: Reuters.

Luật sư Bỉ Paul Bekaert xác nhận ông Carles Puigdemont đã có mặt tại Brussels, Bỉ và sẽ xuất hiện trước công chúng trong ngày 31/10, theo Sky News. "Tôi là luật sư của ông trong trường hợp ông cần tôi. Hiện tôi chưa chuẩn bị tài liệu cụ thể nào cho ông". 

Diễn biến làm dấy lên đồn đoán ông Puigdemont có thể xin tị nạn chính trị ở Brussels. Bộ trưởng Nhập cư Bỉ Theo Francken cho rằng điều này "không phi thực tế" và "hợp pháp 100%". 

Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ Charles Michel dường như giảm nhẹ gợi ý này. Ông đề nghị Francken "không đổ dầu vào lửa" và cho rằng việc xin tị nạn "hoàn toàn không nằm trong chương trình nghị sự". 

"Ông Puigdemont không ở Bỉ để xin tị nạn", luật sư Bekaert nói và cho biết ông chỉ chuẩn bị cho biện pháp ứng phó hợp pháp trước bất cứ động thái nào của Madrid. "Về vấn đề xin tị nạn, chưa có quyết định nào", ông nói với đài truyền hình VRT.

Công tố viên Tây Ban Nha vừa đề nghị truy tố các cựu lãnh đạo Catalonia với cáo buộc nổi loạn. Các chính trị gia này có thể đối mặt với án tù lên tới 30 năm. Chính quyền trung ương Tây Ban Nha bắt đầu trực tiếp kiểm soát Catalonia từ hôm qua, thay thế các quan chức bị phế truất. Madrid cũng đình chỉ quyền tự trị của khu vực Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử mới, sau khi ông Puigdemont và chính quyền của ông tuyên bố độc lập hồi tuần trước.

Trọng Giáp

Ghế tự chuyển động trong nhà hàng ở California
 

Nhà hàng Cronies ở quận Ventura, California đang gây chú ý dịp Halloween khi chủ nhà hàng liên tiếp đăng video cảnh ghế tự dịch chuyển trong cửa hàng, theo Aol.

Camera giám sát trong nhà hàng hôm 9/10 thu lại cảnh ghế lắc lư và đổ xuống sàn nhà vào ban đêm. Hiện tượng ghế tự chuyển động tiếp tục lặp lại sau vài ngày.

Ngày 13/10, trong lúc nhà hàng đang kinh doanh, trước mặt nhiều khách hàng, một chiếc ghế cũng tự ngửa ra đằng sau và quay lại trạng thái cũ. Một người khách nhìn thấy, đứng lên và tiến đến chỗ cái ghế, nhấc nó lên, kiểm tra xem có trò gian lận gì không và bày tỏ ngạc nhiên với bạn đi cùng.

"Thật đáng sợ", Dave Flodes, một trong những người đồng sở hữu nhà hàng nói. "Sự việc thật kỳ quặc, chúng tôi đã kinh doanh ở đây 27 năm rồi và chưa từng có chuyện tương tự xảy ra".

Ghế tự lắc lư trong nhà hàng ở California

 Ghế tự lắc lư trong nhà hàng. 

Foldes đổ lỗi cho Ralph và Don, những người chủ cũ đã qua đời của nhà hàng.

"Chắc là do Ralph và Don đấy. Họ là chủ cũ ở đây, những người đã giới thiệu tôi với vợ tôi. Họ qua đời 25 năm trước. Mỗi khi có chuyện kỳ cục xảy ra, chúng tôi lại đổ cho họ", Foldes nói.

Hai video thu hút hơn 100.000 lượt xem trên mạng xã hội và hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Đa số tỏ ra không tin và cho rằng đây chỉ là một trò đùa trước dịp Halloween.

Hồng Hạnh

iran-huy-dong-can-cu-khong-quan-tren-toan-quoc-dien-tap-quy-mo-lon

Các tiêm kích của Iran trong một đợt diễn tập. Ảnh: Press TV.

Không quân Iran hôm nay bắt đầu cuộc diễn tập kéo dài hai ngày mang tên "Fada’ian-e Harim-e Velayat 7" với sự tham gia của toàn bộ lực lượng đóng quân trên toàn quốc, theo Press TV.

Theo chuẩn tướng Massoud Rouzkhosh, phát ngôn viên của đợt diễn tập, hàng chục chiến đấu cơ, cường kích, tiêm kích đánh chặn, máy bay tiếp liệu, vận tải cơ sẽ tham gia cuộc diễn tập.

Các hệ thống phòng thủ và vũ khí do Iran tự sản xuất hoặc nâng cấp cũng được sử dụng, bao gồm bom thông minh, tên lửa dẫn đường bằng laser và radar.

Bộ Quốc phòng Iran cho biết hệ thống radar tân tiến mới Afaq (Đường chân trời) do nước này tự phát triển sẽ được thử nghiệm trong cuộc diễn tập. Afaq có khả năng giám sát và theo dõi tàu thuyền ở khoảng cách lên tới 200 km, có thể theo dõi cả những mục tiêu trên không.

Iran gần đây đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc phát triển những thiết bị quân sự có tầm hoạt động lớn, trong đó có các hệ thống phòng không sử dụng công nghệ tối tân. Tehran tuyên bố sức mạnh quân sự của nước này chỉ nhằm mục đích phòng thủ và sẽ được huy động trong trường hợp bị tấn công.

"Cuộc diễn tập truyền đi thông điệp về hòa bình, an ninh, ổn định và tình hữu nghị lâu dài giữa các nước của khu vực", tướng Rouzkhosh nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàng

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

George Papadopoulos. Ảnh: NBC News.

Ông George Papadopoulos. Ảnh: NBC News.

George Papadopoulos, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump năm 2016, ngày 5/10 thừa nhận ông đã tìm cách che giấu các trao đổi với một giáo sư có liên hệ với Nga. Giáo sư này cung cấp thông tin gây bất lợi cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump khi đó, Reuters dẫn cáo trạng do một tòa án Mỹ công bố hôm nay.

"Bằng những thông tin sai lệch, bị cáo Papadopoulos đã cản trở cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đối với nghi vấn có sự thông đồng giữa các cá nhân trong chiến dịch tranh cử với Nga nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016", theo cáo trạng tòa án.

Cáo trạng và lời thừa nhận của Papadopoulos được công bố không lâu sau khi Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cùng cấp phó Rick Gates bị cáo buộc có âm mưu chống lại Mỹ, rửa tiền và thông báo sai sự thật.

Manafort và Gates là hai cựu trợ lý đầu tiên của ông Trump bị cáo buộc, liên quan đến cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm hồi tháng 5, dẫn dắt. CNN đưa tin hai người này sẽ trình diện tòa án liên bang vào 13h30 EDT (17h30 GMT) ngày 30/10.

Như Tâm

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến rời Washington, bắt đầu chuyến thăm châu Á, vào ngày 3/11. Ông sẽ tới Hawaii, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Chuyến thăm kéo dài đến ngày 14/11. Giới phân tích chỉ lạc quan thận trọng về chuyến thăm, do không chắc về ý định của Mỹ trong việc có tiếp tục tham gia các vấn đề khu vực hay không.

Strait Times dẫn lời một quan chức Nhà Trắng ngày 29/10 cho biết chuyến thăm châu Á sắp tới là đợt công du nước ngoài dài ngày nhất cho đến nay của ông Trump. Đây còn là chuyến công du tới châu Á dài nhất mà một tổng thống Mỹ thực hiện suốt hơn 25 năm qua.

Lần gần nhất một tổng thống Mỹ thăm châu Á dài ngày tương tự là vào cuối năm 1991, đầu năm 1992. Tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush công du 4 quốc gia châu Á, gồm Australia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong thời gian từ ngày 31/12/1991 đến 10/1/1992, theo history.state.gov.

Quan chức Nhà Trắng tìm cách xóa bỏ nghi ngờ của giới phân tích, nói chuyến thăm thể hiện "cam kết lâu dài với các đồng minh và đối tác của Mỹ, tái khẳng định Mỹ đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa".

"Thông tin có sự không chắc chắn trong cam kết của tổng thống với khu vực là kỳ lạ", quan chức trên cho biết thêm. Ông Trump đã thực hiện 42 cuộc điện đàm với các lãnh đạo Ấn Độ - Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1.

Như Tâm

Beth và chú chó Sterling hóa thân thành Người đẹp và Quái vật trong bộ phim cùng tên. Ảnh: CNBC.

Cô Beth và chú chó Sterling hóa thân thành Người đẹp và Quái vật trong bộ phim cùng tên, xuất hiện New York. Ảnh: CNBC.

Người Mỹ được dự báo sẽ chi khoản tiền kỷ lục 9,1 tỷ USD trong mùa lễ hội Halloween 2017 để trang trí nhà cửa, mua kẹo và trang phục cho con cái, trong đó khoảng 440 triệu USD dành cho việc mua trang phục hóa trang cho cún cưng, CNBC ngày 30/10 đưa tin.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, 16% người Mỹ cho biết có kế hoạch hóa trang cho vật nuôi trong mùa Halloween năm nay. Chi phí cho trang phục của vật nuôi năm 2017 ở Mỹ có thể tăng 5% so với con số 420 triệu USD của năm 2016 và tăng gấp đôi so với năm 2010.

Theo hiệp hội, bảng xếp hạng 5 loại trang phục được ưa chuộng nhất của vật nuôi trong mùa Halloween năm nay là bí ngô, bánh mì kẹp xúc xích, chó/sư tử/cướp biển, ong nghệ và quỷ. Một số người Mỹ thậm chí hóa trang cho vật nuôi thành siêu anh hùng.

Hóa trang cho cún cưng mùa Halloween là hoạt động ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ. Lễ diễu hành lần thứ 27 cho cún cưng dịp Halloween ở quảng trường Tompkins, New York hôm 21/10 thu hút 25.000 người theo dõi. 

Hóa trang là hoạt động được yêu thích trong lễ hội truyền thống Halloween diễn ra ngày 31/10 ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Người dân sau khi trang trí nhà cửa theo phong cách rùng rợn sẽ hóa trang cho trẻ em, người lớn và cả vật nuôi thành nhiều nhân vật trong phim ảnh hoặc truyện tranh. 

Vũ Phong

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Minh Châu/TTXVN)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Hoàng Bình Quân, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều nay tiếp ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Vietnam+ đưa tin.

Ông Hoàng Bình Quân chuyển điện mừng và thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến ông Tập Cận Bình, nhân dịp Trung Quốc vừa tổ chức đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam muốn hai bên cùng nỗ lực đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển.

​Ông Hoàng Bình Quân cho biết Việt Nam muốn hai bên phối hợp thực hiện tốt các nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và các thỏa thuận đã đạt được. Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC sắp tới của ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng, hai nước có bước phát triển mới, ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Trước đó, ông Hoàng Bình Quân đã hội đàm với ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như Tâm

Ekaterina Gordon. Ảnh: The Times.

Ekaterina Gordon. Ảnh: The Times.

"Có rất nhiều chủ đề dân túy... nhưng có một thực tế, Nga có nhiều bà mẹ đơn thân và không ai quan tâm đến họ", Ekaterina Gordon, bà mẹ hai con, 37 tuổi, nói trong một video đăng trên Internet hôm nay, Reuters đưa tin. Gordon muốn trở thành ứng viên độc lập tham gia tranh cử tổng thống Nga năm 2018.

Gordon từng là người dẫn chương trình trên truyền hình và sóng phát thanh. Gordon cho biết bà hiểu những vấn đề phụ nữ Nga phải đối mặt do bà từng là chủ một công ty luật.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào tháng 3/2018. Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ tiếp tục tranh cử và chiến thắng, dù ông hiện chưa thông báo về việc này. Điện Kremlin cho biết mọi ứng viên đủ tiêu chuẩn về pháp lý đều có thể tham gia cuộc đua.

Gordon hiện là phụ nữ thứ hai tuyên bố tranh cử tổng thống Nga. Trước đó, Ksenia Sobchak, nữ tổng biên tập tạp chí thời trang L'Officiel ở Nga, cũng tuyên bố ứng cử. Sobchak cho biết nếu trở thành tổng thống Nga, cô sẽ cải cách hệ thống giáo dục và tư pháp, cũng như tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ nước này.

Nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny muốn tranh cử tổng thống nhưng ủy ban bầu cử trung ương Nga tuyên bố ông không đủ tiêu chuẩn, liên quan đến một án tù hoãn thi hành.

Như Tâm

cong-chuc-catalonia-giua-nga-ba-duong-sau-tuyen-bo-doc-lap

Cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và vợ hôm 28/10 xuất hiện tại quê nhà ông ở thành phố Girona. Ảnh: AFP.

Agusti Colomines, một viên chức Catalonia, chăm chú đọc bản copy sắc lệnh từ Madrid sa thải cấp trên của ông cùng các lãnh đạo khác thuộc chính quyền vùng tự trị. "Đấy chỉ là những lời lẽ trống rỗng", ông Colomines chiều 29/10 nói. "Đó không phải sự thật".

Theo New York Times, trong lúc chính quyền Tây Ban Nha cố gắng tìm cách để khôi phục trật tự hiến pháp ở Catalonia, sau khi nghị viên Catalonia hôm 27/10 tuyên bố độc lập, một câu hỏi dấy lên hiện nay là liệu các viên chức ở đây có chấp nhận sự quản lý từ trung ương hay họ sẽ kháng cự, giống như ông Colomines.

Lựa chọn khó khăn

Hôm 28/10, ông Carles Puigdemont, thủ hiến Catalonia nhưng đã bị Madrid phế truất, ngụ ý rằng ông hy vọng kịch bản thứ hai sẽ diễn ra. Trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình, Puigdemont cho hay chính quyền bị giải thể của ông sẽ "tiếp tục làm việc để đáp ứng các nhiệm vụ dân chủ". Nếu vậy, một tình thế rắc rối sẽ hình thành khi mà Catalonia rơi vào cảnh bị hai thế lực xung đột cùng quản lý: nội các của cựu thủ hiến Puigdemont và chính quyền trung ương.

Hiện nay, ở Catalonia "có hai thực tế song song", ông Oriol Bartomeus, giáo sư chính trị từ Đại học Tự quản Barcelona, nhận xét.

Một mặt, lực lượng bảo vệ biên giới Tây Ban Nha vẫn chịu trách nhiệm tại sân bay Barcelona và cờ Tây Ban Nha vẫn tung bay trên nghị viện Catalonia. Nhưng mặt khác, "một bộ phận người dân vẫn thực sự tin rằng 'chúng ta tự do, chúng ta là một nước cộng hòa độc lập'. Đối với phần này, thủ hiến Puigdemont và bộ máy của ông vẫn là chính quyền hợp pháp ở Catalonia", Bartomeus nói.

"Giải thể chính quyền là điều đơn giản, bạn chỉ cần viết nó ra" trong một thông báo chính thức, ông nhấn mạnh. "Vấn đề nằm ở việc cai quản Catalonia thế nào để có một chính quyền với hướng đi đúng đắn, hiệu quả".

Ông Puigdemont dành cuối tuần qua tại quê nhà Girona, nơi các quan chức địa phương đã gỡ bỏ cờ Tây Ban Nha khỏi những tòa nhà hành chính. Chưa rõ liệu Puigdemont có trở lại làm việc ở Barcelona vào ngày 30/10 hay không nhưng một số đồng minh của ông cho hay mọi công việc sẽ diễn ra bình thường.

"Như những gì ông Puigdemont truyền đi trong bài phát biểu hôm 28/10, chúng tôi vẫn sẽ làm việc", Neus Lloveras, một nghị sĩ Catalonia thuộc đảng của ông Puigdemont, khẳng định. "Chính quyền chúng tôi thừa nhận chỉ là chính quyền được bầu tại Catalonia".

Và thậm chí nếu ông Puigdemont bị bắt với cáo buộc nổi loạn, "Cộng hòa Catalonia vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, bởi những cá nhân đơn lẻ không làm nên một nước cộng hòa. Đây là phong trào của số đông, không phải một dự án cá nhân", bà Lloveras nói thêm.

cong-chuc-catalonia-giua-nga-ba-duong-sau-tuyen-bo-doc-lap-1

Cựu lãnh đạo lực lượng cảnh sát Catalonia Mossos d'Esquadra, ông Josep Lluis Trapero. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát Catalonia, đã nêu rõ ràng rằng họ sẽ tuân thủ mệnh lệnh từ bộ máy chính quyền do Madrid bố trí, Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria dẫn dắt.

Sau khi chính quyền Tây Ban Nha sa thải lãnh đạo lực lượng Mossos d'Esquadra Josep Lluis Trapero hôm 28/10, người kế nhiệm ông, Ferran Lopez, đã ngừng bảo vệ các bộ trưởng khu vực. Ảnh của ông Puigdemont cũng được gỡ bỏ khỏi vô số đồn cảnh sát.

Nhiều quan chức âm thầm hưởng ứng việc bổ nhiệm ông Lopez bởi Trapero được đánh giá là người đã khiến Mossos d'Esquadra bị chính trị hóa quá đà, theo một nguồn tin giấu tên bên trong công đoàn cảnh sát Tây Ban Nha.

Đối với không ít viên chức Catalonia, quyết định làm theo hay phản kháng lại mệnh lệnh từ Madrid không chịu ảnh hưởng từ biến động chính trị mà chủ yếu do cân nhắc thực tiễn, theo New York Times.

Bởi Madrid trực tiếp kiểm soát việc chi trả lương cho họ nên "hầu hết các nhân viên công vụ đều lo sợ mất việc và không còn thu nhập", Joan Maria Sentis, điều phối viên Ủy ban Lao động Tây Ban Nha chi nhánh Catalonia, cho biết.

Tuy nhiên, một phần bên trong chính quyền Catalonia, đặc biệt đối với các quan chức cấp cao, rất nhiều người nhiệt thành ủng hộ ông Puigdemont. Hơn 150 người được cơ cấu để leo lên các vị trí cao ở Catalonia đều có thể lựa chọn từ chức nếu không đồng ý với việc vùng tự trị này tuyên bố độc lập, song rất ít người chấp nhận thôi chức vụ, theo Colomines.

Colomines tuyên bố sẽ tiếp tục nhận mệnh mệnh từ cấp trên đã bị sa thải của mình, bà Meritxell Borras, cựu bộ trưởng quản trị công, bởi Colomines tin ông đang sống trong một nước cộng hòa Catalonia mới.

"Bà Meritxell là bộ trưởng của tôi", ông nói và miêu tả mệnh lệnh từ Madrid "không khác gì một mẩu giấy".

Vũ Hoàng

ky-vong-ve-chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-ong-trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: White House.

Chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 được dư luận quốc tế và giới chuyên gia kỳ vọng là cơ hội quý giá để Washington thể hiện được tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại với châu Á – Thái Bình Dương, vốn rất được các đồng minh và đối tác trong khu vực chờ đợi sau một thời gian dài bất an.

Cam kết của Mỹ ở châu Á từng là chủ đề gây tranh cãi, khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chấm dứt chính sách "xoay trục châu Á" của người tiền nhiệm Obama. Chính quyền Trump đến nay vẫn chưa đề ra một chính sách lớn tương tự về kinh tế, chính trị và quân sự để hướng tới khu vực từng được coi là "chìa khóa cho tương lai nước Mỹ" này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho rằng những dấu hiệu về một chiến lược lớn của Mỹ có thể xuất hiện vào tuần tới, khi ông Trump lên đường thực hiện chuyến công du qua một loạt nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, theo Japan Times.

Tự do thương mại

Tự do thương mại đang là vấn đề rất được quan tâm trước thềm chuyến công du châu Á của Trump, đặc biệt là khi Mỹ rút khỏi TPP, khiến thỏa thuận đầy tham vọng này có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thu hút một loạt quốc gia Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông và châu Phi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của mình.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tuyên bố ông sẽ tận dụng chuyến công du sắp tới của Tổng thống Trump để đề xuất một phương án có thể được coi là biện pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn với Nikkei, ông Kono cho biết Tokyo muốn thiết lập khuôn khổ đối thoại cấp cao giữa Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia để 4 cường quốc này cùng thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và các tuyến đường tới châu Phi.

Kono khẳng định kế hoạch này được vạch ra như một đối trọng với sức mạnh về kinh tế và quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng, nhấn mạnh các quốc gia khác như Pháp và Anh cũng có thể đóng góp vào phương án này.

"Tôi thấy đề xuất này không chỉ rất tích cực cho Nhật mà còn cho cả Mỹ, Ấn Độ và Australia", Yoichi Shimada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui, Nhật Bản, nhận xét. "Khi nó được hoàn thiện, đó cũng là điều tốt đẹp cho tất cả các nước ở Đông Nam Á".

"Việc chúng ta có phương án thay thế ý tưởng của Trung Quốc là rất quan trọng, bởi nếu các nước chỉ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch để mang về nhiều lợi ích hơn cho họ", giáo sư Shimada nói với tờ DW của Đức.

Ông Shimada ví hành động này như "mang tất cả trứng để vào một giỏ", nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện nay quá mạnh nên không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đối chọi lại. Chuyên gia này cho rằng việc "để trứng vào nhiều giỏ" sẽ giúp các quốc gia trong khu vực giảm bớt rủi ro về an ninh và thương mại.

ky-vong-ve-chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-ong-trump-1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) bắt tay ông Trump trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu năm. Ảnh: AP.

Garren Mulloy, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Daito Bunka Nhật Bản, cho rằng chuyến công du châu Á của ông Trump là cơ hội rất lớn để thúc đẩy đề xuất này, khẳng định Australia và Ấn Độ sẽ rất hào hứng tham gia sáng kiến.

"Australia và Nhật từng rất thất vọng về Trump khi ông rút Mỹ khỏi TPP và họ đang tìm kiếm một ‘diễn đàn thứ ba’ để có thể hợp tác cùng nhau làm sống lại sáng kiến này", ông nói.

An ninh khu vực

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng ưu tiên hàng đầu của ông Trump trong chuyến công du này là tìm phương án giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trong chuyến đi tới Bắc Kinh lần này, ông Trump nhiều khả năng sẽ gia tăng sức ép với Trung Quốc để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trong chuyến công du này, các nhà ngoại giao hàng đầu của châu Á có thể sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao với Triều Tiên và giảm bớt mức độ "khẩu chiến" với ông Kim Jong-un, theo Michael Fuchs, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Trump thời gian qua liên tục đưa ra những lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết để bảo vệ Mỹ và đồng minh. Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng những lời lẽ cứng rắn không kém, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột ở bán đảo Triều Tiên.

"Chiến tranh ở Triều Tiên sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Mỹ và các nước trong khu vực", Fuchs nói.

Theo Andrew Oros, giám đốc cơ quan nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington, an ninh khu vực sẽ là chủ đề thảo luận hàng đầu khi Trump tới thăm Nhật Bản, nơi lãnh đạo hai nước tìm cách đề cao mối quan hệ đồng minh đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

"Ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể sẽ đề cập đến thương mại song phương, nhưng đó chỉ là một trong nhiều chủ đề họ nói tới. Nếu quá chú trọng vào vấn đề này, nó sẽ khiến Mỹ và Nhật bị xao nhãng khỏi những chủ đề cấp bách hơn, chẳng hạn như mối đe dọa từ Triều Tiên", ông Oros nói.

Mireya Solis, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, nhận định ông Trump và ông Abe sẽ quyết tâm gây "sức ép tối đa" và duy trì các biện pháp cấm vận mạnh mẽ với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng thay đổi cách hành xử và quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

Oros cũng kỳ vọng rằng Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ sẽ gia tăng kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xâm phạm quyền quản lý nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông của Nhật Bản, cũng như lên án hành vi quân sự hóa các tiền đồn Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên Biển Đông, nhấn mạnh những hành động đơn phương như vậy đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế.

Mối quan tâm tới Đông Nam Á

Abraham Denmark, chuyên gia tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, cho rằng trong chuyến công du châu Á 12 ngày, ông Trump sẽ có rất nhiều điều để thảo luận và nhiều nơi để đến, nhưng sự kiện ông quyết định không tham dự cũng là điều rất đáng quan tâm.

Khi tới Phillippines dự hội nghị đa phương ASEAN ở chặng cuối của chuyến công du, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ không tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á, một diễn đàn khu vực thường niên tập trung vào Đông Nam Á.

Denmark cho rằng động thái này là một dấu hiệu chứng tỏ Đông Nam Á sẽ không phải là một ưu tiên của chính quyền Trump. "Khu vực này sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đang ở đó, còn Mỹ thì không. Điều đó sẽ phát đi một thông điệp rất mạnh", ông nhận định.

ky-vong-ve-chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-ong-trump-2

Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 ở Đức. Ảnh: AFP.

Cựu tổng thống Obama từng quyết định không tham dự hội nghị này vào năm 2013 để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo châu Á đã xì xào về sự vắng mặt này của Obama trong suốt nhiều năm sau đó, theo Harry Kazianis, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ.

"Vắng mặt tại một hội nghị không đồng nghĩa với việc Mỹ rời bỏ châu Á – Thái Bình Dương hay Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ. Nhưng đó là một sự kiện rất lớn và không dễ bị lãng quên", Kazianis nói.

"Điều mà các đối tác của Mỹ ở châu Á mong đợi không phải là chính sách của Obama có được tiếp tục hay không", Denmark nhận định. "Họ đang đợi xem chính sách của Trump, chính sách của Mỹ hiện nay sẽ như thế nào trong chuyến công du".

Trí Dũng

vo-kim-jong-un-thap-tung-chong-thi-sat-nha-may-my-phm

Ông Kim nhìn máy móc sản xuất, bà Ri mặc váy hoa đứng phía sau. Ảnh: Reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một nhà máy sản xuất mới cải tiến, cùng với những thành viên cao cấp trong đảng Lao động như An Jong-su, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng và Kim Yo-jong, em gái ông Kim, theo ABC.

Phu nhân Ri Sol-ju, người được cho là vừa sinh con thứ ba cho ông Kim, cũng có mặt trong chuyến đi này, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hôm 29/10. Đây là lần thứ hai bà Ri Sol-ju tháp tùng chồng đi thị sát trong tháng 10. Lần trước, hai ông bà tới thăm một nhà máy giày ở Bình Nhưỡng.

vo-kim-jong-un-thap-tung-chong-thi-sat-nha-may-my-phm-1

Chai lọ đựng mỹ phẩm trong nhà máy. Ảnh: Reuters.

Ông Kim Jong-un xem các sản phẩm trưng bày trong công ty và dây chuyền sản xuất. Ông biểu dương, kêu gọi nhà máy sản xuất ra loại mỹ phẩm đẳng cấp thế giới và phụ nữ Triều Tiên "hãy xinh đẹp hơn nữa".

"Chủng loại mỹ phẩm của nhà máy rất phong phú, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bao bì cũng rất bắt mắt. Ước mơ làm đẹp của phụ nữ đã được hiện thực hóa", ông Kim nói.

Cuộc thị sát được đưa tin một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới thăm khu phi quân sự (DMZ) liên Triều tại Seoul, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Triều đang gia tăng vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hồng Hạnh

Bà Thái trong chuyến thăm Hawaii. Ảnh: Reuters.

Bà Thái trong chuyến thăm Hawaii. Ảnh: Reuters.

Bà Thái hôm 28/10 đặt chân xuống thành phố Honolulu, trên đường thăm Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall trong chuyến đi kéo dài một tuần. Bà đã tới đặt hoa tại khu tưởng niệm Trân châu Cảng, dự tiệc với cộng đồng người Đài Loan, có bài phát biểu chung với Chủ tịch Viện Mỹ tại Đài Loan James Moriarty. 

Bà mô tả quan hệ Đài Loan - Mỹ là "thân thiện chưa từng có", trong bình luận được văn phòng lãnh đạo Đài Loan phát đi hôm nay, theo Reuters. "Chúng tôi vui mừng khi biết những lời hứa của Mỹ về hòa bình và ổn định cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và từ các cuộc gặp với Mỹ, chúng tôi hiểu cần tăng đầu tư cho phòng vệ".

Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và thường xuyên gọi đây là vấn đề nhạy cảm nhất, quan trọng nhất giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc than phiền với Mỹ về các chuyến quá cảnh của các lãnh đạo Đài Loan. 

Bà Thái tuyên bố bà muốn duy trì hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ nền an ninh và dân chủ của Đài Loan. 

Đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chuyến quá cảnh của bà Thái trên đất Mỹ mang tính "cá nhân, không chính thức", dựa trên quan điểm lâu nay của Mỹ về "quan hệ không chính thức với Đài Loan". Bộ cho biết không có sự thay đổi về chính sách một Trung Quốc của Mỹ", trong đó thừa nhận chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của nước này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến thăm Trung Quốc trong chưa đầy hai tuần nữa. Ông từng khiến Bắc Kinh giận dữ hồi tháng 12 năm ngoái khi nhận cuộc gọi từ bà Thái, ngay sau khi thắng cử tổng thống Mỹ. 

Chuyến thăm tới Mỹ lần này là chuyến thứ hai của bà Thái trong năm nay. Hồi tháng một, bà dừng chân tại các thành phố Houston và San Francisco trong chuyến đi tới châu Mỹ Latinh. 

Trọng Giáp

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

tuan-hanh-lon-o-barcelona-ung-ho-thong-nhat-cho-tay-ban-nha

Dòng người tham gia cuộc tuần hành ở Barcelona hôm nay. Ảnh: AFP.

Vẫy cờ Tây Ban Nha và hô vang câu khẩu hiệu "Mãi mãi Tây Ban Nha", những người biểu tình lấp kín nhiều con phố lớn ở thành phố Barcelona, thủ phủ Catalonia. Đây được cho là cuộc tuần hành lớn nhất ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng Catalonia nổ ra, theo Reuters.

"Tôi ở đây để bảo vệ luật pháp và sự thống nhất của Tây Ban Nha", ông Alfonso Machado, 55 tuổi, cho hay. "Biết rằng cuối cùng sẽ không có độc lập nào cả, tôi cảm thấy buồn cho những người bị lừa tin rằng điều đó sẽ xảy ra và buồn vì sự chia rẽ mà họ đã tạo ra trong xã hội Catalonia", ông nói.

Những người tổ chức biểu tình cho biết mục tiêu cuộc tuần hành hướng tới là nhằm bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha và chống lại "một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nền dân chủ".

Một số người tham gia biểu tình còn mang theo những câu khẩu hiệu, biểu ngữ như "Chúng tôi sẽ không để Tây Ban Nha bị chia cắt" hay "Sự thức tỉnh của một quốc gia thầm lặng".

Nghị viện Catalonia ngày 27/10 thông qua nghị quyết tuyên bố thành lập nhà nước độc lập. Quyết định trên được đưa ra sau gần một tháng kể từ ngày Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu dân ý với kết quả cho thấy 90% người đi bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Tây Ban Nha.

Vài giờ sau khi Catalonia thông báo quyết định, Madrid tuyên bố tước bỏ quyền lực của chính quyền vùng tự trị. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã phế truất thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, phó thủ hiến Oriol Junqueras, giải tán nội các và nghị viện tại đây. Với việc thượng viện phê chuẩn kích hoạt Điều 155 trong hiến pháp, Madrid có thể cách chức lãnh đạo Catalonia và trực tiếp tiếp quản khu vực.

Ông Rajoy kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới cho khu vực vào ngày 21/12 đồng thời sa thải cảnh sát trưởng Catalonia, khẳng định đây là biện pháp cần thiết để khôi phục pháp luật sau cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua.

Vũ Hoàng

tan-cong-khung-bo-o-somali-29-nguoi-thiet-mang

Hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Reuters.

Đến sáng nay, quân đội Somali mới kiểm soát được khách sạn Nasa-Hablod 2 nổi tiếng ở thủ đô Mogadishu, sau khi nơi này bị những tay súng Hồi giáo cực đoan tấn công chiếm giữ từ hôm qua, Reuters đưa tin.

"Hiện tại, tôi mới biết chắc có 29 người thiệt mạng, con số thương vong khả năng còn gia tăng", ông Abdullahi Nur, quan chức cảnh sát Somali, cho biết.

Phiến quân al-Shabaab thân al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm. Vụ việc một lần nữa cho thấy các tay súng nổi dậy hoàn toàn có thể gây ra những cuộc tấn công đẫm máu ở thủ đô Somali. Hai tuần trước, một vụ đánh bom kép làm rung chuyển Mogadishu, khiến hơn 350 người chết. Đây là một trong những vụ tấn công gây thương vong nặng nề nhất lịch sử Somali.

Theo cảnh sát, ba tay súng bị bắt sống và hai tên khác đã tự kích hoạt khối thuốc nổ mang bên mình sau khi bị bắn. Một số tay súng có thể đã trà trộn vào dân thường để tẩu thoát.

Cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng 17h ngày 28/10. Một chiếc xe bom đã lao vào cổng khách sạn Nasa-Hablod 2, gần phủ tổng thống Somali, phá vỡ hàng rào an ninh. Các tay súng phiến quân ngay lấp tức chiếm giữ khách sạn.

Vụ nổ xe bom phá hủy mặt tiền của khách sạn ba tầng và gây ảnh hưởng tới cả cơ sở kế bên. Rất nhiều quan chức Somali sống tại đây vì hệ thống an ninh khá nghiêm ngặt.

Vũ Hoàng

tro-cot-co-vuong-thai-lan-duoc-dua-ve-noi-an-nghi-cuoi-cung

Người phụ nữ chắp tay cầu nguyện khi đoàn rước tro cốt của cố vương Bhumibol Adulyadej đi qua. Ảnh: AFP.

Bình vàng chứa di cốt cố vương Bhumibol Adulyadej được đưa tới lưu giữ vĩnh viễn tại sảnh Chakri Maha Prasat thuộc Hoàng Cung, nơi đặt di cốt các vua thuộc Vương triều Chakri, sau một lễ cúng dường có sự tham gia của các nhà sư hàng đầu Thái Lan. Vua Maha Vajiralongkorn chủ trì nghi lễ, Reuters đưa tin.

Trong khi đó, tro cốt được rước từ Hoàng Cung với sự hộ tống của kỵ binh tới đền Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram và đền Wat Bowonniwet Vihara ở Bangkok. Rất nhiều người dân Thái Lan đã tập trung chờ đợi bên ngoài hai ngôi đền này để tiễn biệt cố vương lần cuối.

"Tôi sẽ luôn lưu giữ hình ảnh ngài trong tim mình. Ký ức về ngài sẽ luôn hiện hữu trong trái tim tôi", ông Chalermporm Prabutr, 72 tuổi, chia sẻ.

Chính phủ Thái Lan thông báo lễ quốc tang cố vương Bhumibol sẽ chính thức kết thúc vào đêm nay sau hơn một năm. Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13/10/2016 ở tuổi 88 sau 70 năm ngồi trên ngai vàng.

Vũ Hoàng

Bài viết theo tháng

Popular Posts

Liên kết