Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Trung Quốc chỉ trích tâm lý Chiến tranh Lạnh của Mỹ

Trump lần đầu tiên đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: AFP.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 30/1, Trump mô tả Moscow và Bắc Kinh là thách thức đến lợi ích, nền kinh tế và các giá trị" của Mỹ.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 31/12 nói rằng các lợi ích chung của Mỹ và Trung Quốc "vượt xa những khác biệt và bất đồng". Việc Trung Quốc có mối quan hệ vững chắc với Mỹ "cũng có lợi cho cả thế giới", ông Lý nói, theo AFP.

"Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ làm việc với chúng tôi và tiếp tục nhìn nhận mối quan hệ này với quan điểm tích cực", ông nói thêm.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh có ngôn ngữ gay gắt hơn.

"Chúng tôi hy vọng phía Mỹ có thể từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời để hướng tới mục tiêu chung với Trung Quốc trong việc quản lý đúng đắn những khác biệt của chúng ta và duy trì sự phát triển vững chắc của quan hệ Trung -  Mỹ", bà nói.

Phương Vũ

Lao động Triều Tiên làm việc tại một công trường xây dựng ở Nga. Ảnh: CNN.

Lao động Triều Tiên làm việc tại một công trường xây dựng ở Nga. Ảnh: CNN.

"Chúng tôi sẽ phải tuân thủ quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và trục xuất tất cả lao động Triều Tiên ở Nga trước cuối năm 2019", Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora nói và cho biết thêm rằng không có lao động Triều Tiên bất hợp pháp ở Nga, theo Interfax.

Các quốc gia phải yêu cầu tất cả lao động Triều Tiên về nước trong vòng hai năm theo lệnh trừng phạt được đưa ra vào ngày 22/12 vì chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Matsegora cho biết hàng chục nghìn lao động Triều Tiên sẽ phải hồi hương. Báo Hàn Yonhap ước tính khoảng 50.000 lao động Triều Tiên làm việc ở Nga để kiếm ngoại tệ cho Bình Nhưỡng.

Phương Vũ

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại sự kiện chiều nay. Ảnh: Giang Huy.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại sự kiện chiều nay. Ảnh: Giang Huy.

"Chúng ta đang bước vào năm Mậu Tuất với một tâm thế mới, khí thế mới. Góc nhìn có thể khác nhau, nhưng chúng tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong việc xây dựng một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói trong buổi gặp mặt Đoàn Ngoại giao chiều nay.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực hơn vào việc góp phần xử lý các thách thức khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhắc lại 2017 được đánh giá là là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam, với 53 đoàn cấp cao đến thăm và thăm các nước. Năm APEC Việt Nam 2017 cũng góp phần duy trì và tiếp thêm sức sống mới cho liên kết, hội nhập ở khu vực.

Phó thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nước, khi Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trưởng Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Venezuela Jorge Rondon Uzcategui cho biết trong những hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình về hòa bình, tôn trọng chủ quyền của các nước khác. Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng cho thấy Việt Nam là một nước có sự phát triển mạnh mẽ và có trách nhiệm cao.

Khánh Lynh

Đồ cúng của một số người Indonesia tin vào việc cầu nguyện để chữa bệnh. Ảnh: AFP.

Đồ cúng của một số người Indonesia tin vào việc cầu nguyện để chữa bệnh. Ảnh: AFP.

Một nhân viên y tế đã báo cáo với giới chức sau khi Neneng Hatidjah, 77 tuổi, không cho người này vào kiểm tra căn nhà bốc ra mùi lạ của bà, theo AFP.

Khi giới chức địa phương vào căn nhà tại Cimahi, Tây Java, họ phát hiện thi thể chồng và con gái đã khuất của bà Hatidjah trong phòng ngủ. Bà đã rắc bột cà phê xung quanh thi thể. Cảnh sát cũng tìm thấy hàng chục chai nước hoa trong nhà.

Chồng bà qua đời vào tháng 12 ở tuổi 85. Con gái bà đã qua đời được hai năm ở tuổi 50 vì bệnh. Hatidjah sống cùng hai người con khác. Họ nói rằng bà Hatidjah không cho họ đem hai người đã khuất đi chôn vì cho rằng họ có thể được hồi sinh.

"Hatidjah cho biết bà ấy nghe thấy tiếng thì thầm rằng nếu bà chăm sóc cho các thi thể thì họ sẽ sống lại", phát ngôn viên cảnh sát địa phương Hari Suprapto hôm nay nói. Nhiều người Indonesia tin vào ma thuật hoặc việc chữa bệnh bằng cầu nguyện hay làm phép. 

Phương Vũ

Hãng truyền thông Mỹ CBS giật hàng tít Hãng hàng không xin lỗi vì màn biểu diễn thô tục. Ảnh chụp màn hình.

Hãng truyền thông Mỹ CBS giật hàng tít "Hãng hàng không xin lỗi vì 'màn biểu diễn' thô tục". Ảnh chụp màn hình.

Hãng truyền thông Mỹ CBS giật hàng tít "Hãng hàng không xin lỗi vì 'màn biểu diễn' thô tục". Theo đó, trang tin điện tử của CBS giới thiệu Vietjet "có lịch sử sử dụng tiếp viên hàng không mặc bikini để thu hút hành khách" và cho biết lãnh đạo của hãng "đã xin lỗi vì gây phản cảm nhưng phân trần rằng màn đón tiếp đội tuyển bóng đá quốc gia không phải là chiêu quảng cáo của hãng mà chỉ là 'một vụ biểu diễn tự phát' của đội hậu cần".

Trong khi đó trang tin điện tử MailOnline của Anh viết "nhiều người dân trong nước đã tức giận với hành động này và dùng mạng xã hội để lên án hãng hàng không, một vài người thậm chí còn đe dọa tẩy chay". Phóng viên Alex Matthew dẫn trích dẫn bình luận của nhiều người dùng Facebook ở Việt Nam, gọi màn trình diễn của những người mẫu mặc áo tắm hai mảnh trên máy bay chở tuyển U23 là "chiêu trò PR rẻ tiền". 

Bài viết của hãng tin Pháp AFP với hàng tít "Thẻ đỏ dành cho Vietjet sau màn trình diễn của những người mẫu nội y" miêu tả "mạng xã hội bùng nổ vì những bức ảnh, trong đó có bức cho thấy một cầu thủ trẻ trông bối rối và ngượng ngùng trong vòng tay của cô người mẫu mặc quần lót màu đỏ và áo ngắn khoe bụng màu bạc". Hãng tin Pháp dẫn ảnh chụp dàn người mẫu mặc bikini từ trang Facebook cá nhân của diễn viên Ngô Thanh Vân để minh họa cho bài viết. Kết thúc, phóng viên AFP cho biết "Vietjet đã xin lỗi và giải thích rằng đây là chiến lược marketing thiếu suy nghĩ" đồng thời đổ lỗi và kỷ luật "các nhân viên có liên quan".

U23 Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội vào ngày 28/1. Ảnh: VnExpress.

U23 Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội vào ngày 28/1. Ảnh: Đức Đồng.

Sự cố của Vietjet Air cũng thu hút sự quan tâm của truyền thông trong khu vực châu Á. Taiwan News của Đài Loan dẫn lại VnExpress viết "tuyển U23 và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của họ đã chiến thắng hàng triệu trái tim của người Việt Nam khi lần đầu tiên lọt vào trận chung kết một giải vô địch châu lục". Phóng viên Alicia Nguyen của trang tin này viết "Vietjet đã sắp xếp một màn trình diễn thời trang đặc biệt trên chuyến bay với các người mẫu bikini chụp ảnh một cách thân mật với các cầu thủ" và miêu tả "các bức ảnh cho thấy các cầu thủ có vẻ như cảm thấy xấu hổ và gượng gạo". 

Tờ Bangkok PostNation của Thái Lan cũng đưa tin Vietjet bị phạt 40 triệu đồng vì biểu diễn phản cảm trên máy bay chở các tuyển thủ U23 về nước.

Đặc biệt, truyền thông Hàn Quốc đưa rất đậm thông tin này. Kênh truyền hình SNS còn mở bàn tròn và dành thời lượng gần 10 phút để bình luận về vụ việc. Trong chương trình, 5 phóng viên, biên tập viên và khách mời người Hàn Quốc nói rằng hãng hàng không Vietjet đã đón đội bóng quốc gia làm nên lịch sử của đất nước bằng một "show bikini" và bình luận về biểu cảm khuôn mặt của các cầu thủ và huấn luyện viên Park "dường như rất ngượng và xấu hổ". Các khách mời còn bình luận rằng đây là việc làm có kế hoạch của Vietjet nhằm lăng-xê cho hãng và nêu quan điểm việc này cần bị xử lý nghiêm khắc chứ không thể bỏ qua.

Báo chí nước ngoài đưa tin Vietjet bị phạt vì biểu diễn phản cảm

Kênh truyền hình Hàn Quốc mở bàn tròn bình luận về màn trình diễn bikini của Vietjet trên chuyến bay chở tuyển thủ U23 về nước. Nguồn: SNS

An Hồng

Tổng thống Donald Trump ngày 30/1 đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên của ông trước quốc hội Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng muốn gửi đi thông điệp "xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào".

Ông Trump bắt đầu đọc Thông điệp Liên bang bằng "giọng nhẹ nhàng", đề cập đến "những tiến bộ đáng kinh ngạc" và "thành công phi thường" cùng những khó khăn mà Mỹ phải trải qua trong năm 2017, Guardian mô tả. Các nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra hào hứng với Thông điệp Liên bang của Trump khi đứng xem và liên tục vỗ tay trong khi phe Dân chủ chỉ ngồi và nhìn.

Quang cảnh nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát Thông điệp Liên bang ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Quang cảnh nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát Thông điệp Liên bang ngày 30/1. Ảnh: AFP.

"Từ khi chúng ta thông qua việc cắt giảm thuế, khoảng 3 triệu người lao động Mỹ được hưởng lợi, có người được hàng nghìn USD. Apple thông báo đầu tư tổng cộng 350 tỷ USD vào Mỹ và thuê thêm 20.000 lao động. ExxonMobil thông báo đầu tư 50 tỷ đô vào Mỹ", ông Trump nói, mô tả đây là “thời khắc mới của người Mỹ”.

Theo ông, chưa bao giờ có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để sống với giấc mơ Mỹ. Những công dân Mỹ, dù ở đâu, đến từ đâu, nếu làm việc chăm chỉ, tin vào bản thân, tin vào Mỹ, họ có thể mơ đến mọi thứ, trở thành mọi thứ, và cùng nhau.

Trong thông điệp, Trump cũng đưa ra kế hoạch về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Mỹ, một trong những vấn đề ông có cam kết khi tranh cử năm 2016. Tổng thống Trump kêu gọi quốc hội đưa ra dự thảo, tạo ra ít nhất 1,5 nghìn tỷ USD cho việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Về nhập cư, ông đưa ra kế hoạch gồm 4 điểm chính, gồm cấp quyền công dân cho 1,8 triệu người nhập cư Mỹ trái phép khi còn nhỏ, xây tường ở biên giới phía nam, chấm dứt chương trình "xổ số thẻ xanh" và chấm dứt chuỗi nhập cư. Kế hoạch bị một số nghị sĩ Dân chủ có mặt tại khán phòng la ó.

"Chúng ta phải hiện đại hoá và tái xây dựng kho hạt nhân, hy vọng không bao giờ phải dùng đến nó, nhưng phải củng cố để răn đe mọi hành động gây hấn", ông Trump nhắc đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. "Có thể, trong tương lai, khoảnh khắc kỳ diệu các nước trên thế giới cùng nhau xoá bỏ vũ khí hạt nhân sẽ diễn ra nhưng thật không may, chúng ta chưa đến giai đoạn đó". Tuyên bố này được nhiều người vỗ tay.

Ông Trump còn thông báo mở cửa trại giam tại Vịnh Guantanamo, khẳng định Mỹ sẽ chỉ viện trợ cho "những người bạn". Ông kêu gọi quốc hội thông qua dự luật giúp đảm bảo các khoản viện trợ nước ngoài chỉ phục vụ lợi ích của người dân Mỹ. Mỹ cũng sẽ sát cánh cùng người dân Iran trong "cuộc đấu tranh giành tự do" của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang tại quốc hội ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang tại quốc hội ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Đề cập vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump khẳng định "sẽ không lặp lại sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm, khiến Mỹ rơi vào tình thế nguy hiểm như hiện nay". Ông đề cập đến câu chuyện của Otto Warmbier, sinh viên tử vong không lâu sau khi được Triều Tiên thả về nước năm 2017, và người Triều Tiên đào tẩu tên Ji Seong-ho.

Ông chỉ trích chính phủ Triều Tiên, cảnh báo chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ sớm đe dọa lãnh thổ Mỹ.

"Mỹ đang triển khai chiến dịch gây áp lực tối đa để ngăn chuyện này xảy ra", ông tuyên bố.

Kết thúc thông điệp, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ không thất bại nếu "tự tin vào các giá trị của Mỹ, có niềm tin vào công dân Mỹ". Nước Mỹ sẽ "mãi mãi an toàn, mạnh mẽ, kiêu hãnh và tự do".

"Cầu Chúa ban phúc cho nước Mỹ. Xin cảm ơn", ông nói.

Trump phát Thông điệp Liên bang đầu tiên

Tổng thống Trump kết thúc Thông điệp Liên bang. Video: CNN.

Bài phát biểu của ông Trump, dài 1 giờ 20 phút, được đưa ra trong bối cảnh người Mỹ hoài nghi về việc ông có thực sự phù hợp với chức tổng thống Mỹ hay không. Kết quả một khảo sát của Gallup, tỷ lệ ủng họ Trump làm tổng thống là 38% trong năm 2017, mức thấp nhất với bất cứ tổng thống Mỹ nào trong năm đầu nhiệm kỳ.

Thông điệp Liên bang là bài phát biểu hàng năm của tổng thống Mỹ trước toàn thể lưỡng viện Mỹ, nhằm báo cáo trước quốc hội về tình hình quốc gia và vạch ra các vấn đề chính trong chương trình nghị sự của tổng thống trong năm tới. Hoạt động này được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Thông điệp Liên bang đầu tiên là của tổng thống George Washington năm 1790.

Ông Chuck Schumer (trái) cùng các thượng nghị sĩ đeo ruy băng tím tại buổi đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: AFP.

Ông Chuck Schumer (trái) cùng các thượng nghị sĩ đeo ruy băng tím tại buổi đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: AFP.

Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ ông Chuck Schumer cùng nhiều nghị sĩ đồng loạt đeo ruy băng tím trên ngực áo khi xuất hiện tối 30/1 tại tòa nhà Quốc hội để nghe Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, theo CBS News.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin giải thích hành động này nhằm kêu gọi chính phủ liên bang nỗ lực hơn nữa trong giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau khiến hơn 64.000 người tử vong ở Mỹ riêng năm 2016.

Tổng thống Trump hồi năm ngoái đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với vấn đề lạm dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, số tiền chi trả cho các chương trình điều trị và ngăn ngừa chưa được cấp. Ông Manchin hy vọng Tổng thống Trump sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng này trong Thông điệp Liên bang năm nay.

Trước thềm sự kiện, nhiều thượng nghị sĩ đăng ảnh ruy băng tím trên Twitter. "Tôi sẽ không ngừng đấu tranh yêu cầu cấp ngân sách cho các chương trình ngăn ngừa và điều trị", thượng nghị sĩ Ed Markey viết. "Đây là cơ hội quan trọng để gửi đi thông điệp chúng ta cần phải nỗ lực hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này", thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen tweet.

Thông điệp Liên bang là bài phát biểu hàng năm của tổng thống Mỹ trước toàn thể lưỡng viện. Trong thông điệp, tổng thống báo cáo tình hình quốc gia và vạch ra các vấn đề chính trong chương trình nghị sự của tổng thống trong năm mới.

Vũ Phong

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue phát biểu tại một sự kiện vào 30/6/2017. Ảnh: AP. 

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue phát biểu tại một sự kiện vào 30/6/2017. Ảnh: AP

Khi Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang Mỹ vào ngày hôm nay, khán giả bên dưới tập hợp toàn bộ các nghị sĩ quốc hội và quan chức thuộc bộ máy chính quyền. Duy chỉ có một quan chức trong nội các vắng mặt, đó là Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue, US Today đưa tin.

Là "người sống sót được chỉ định" tại Thông điệp Liên bang năm nay, ông Perdue sẵn sàng trở thành tổng thống tiếp theo trong trường hợp xảy ra thảm kịch với dàn lãnh đạo của nước Mỹ.

Theo văn phòng lưu trữ lịch sử của Thượng viện, chính phủ Mỹ bắt đầu chỉ định "người sống sót" kể từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước hoặc "có lẽ còn sớm hơn thế". Đây là một sự kiện chính trị lẫn một trách nhiệm pháp lý truyền thống từ thời lập quốc của nước Mỹ.

Cho đến tận thập niên 80, Nhà Trắng không công bố danh tính của người được lựa chọn. 16 "người sống sót được chỉ định" gần đây nhất đều là đàn ông, chỉ có hai người phụ nữ từng nắm giữ trọng trách này trong suốt 24 năm qua. Lưỡng đảng, Dân chủ và Cộng hòa, đều có tiếng nói trong việc lựa chọn "người sống sót" để dẫn dắt một chính quyền giả định nếu xảy ra thảm kịch.

Trước khi trở thành Thống đốc bang miền trung Georgia 2003-2011, ông Perdue là bác sĩ thú ý. Ông trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính quyền của Tổng thống Trump vào tháng 4 năm ngoái với tỉ lệ ủng hộ áp đảo của các nghị sĩ. 

Trong khoảng thời gian diễn văn Thông điệp Liên bang diễn ra, Bộ trưởng Perude được đưa đến một địa điểm bí mật cách xa Washington và chỉ một số ít người biết vị trí chính xác của "người sống sót được chỉ định". 

Là "người sống sót được chỉ định" tại Thông điệp Liên bang vào năm 1996, cựu bộ trưởng y tế Donna Shalala dưới thời Bill Clinton cho biết bà theo dõi bài diễn văn của Tổng thống trước Thượng viện và Hạ viện từ chính Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng. 

Trong khi đó, Dan Glickman, cựu bộ trưởng nông nghiệp, rời khỏi thủ đô Washington D.C. và đến thăm con gái ở New York khi Tổng thống Bill Clinton đọc Thông điệp Liên bang năm 1997. Ông Glickman kể rằng sau bài diễn văn, ông đã đi bộ qua 10 dãy nhà trong mưa và tuyết lạnh để quay trở về căn hộ của con gái. 

"Tôi vẫn không thể tưởng tượng được mới chỉ ba tiếng trước đó thôi tôi là người đàn ông quyền lực nhất thế giới còn sau khi Thông điệp Liên bang kết thúc, thậm chí tôi còn chẳng thể gọi nổi một chiếc taxi", cựu bộ trưởng nông nghiệp nhớ lại. "Kỷ niệm đó nhắc nhở tôi một điều rằng quyền lực có thể dễ dàng trôi qua tay ta như thế nào". 

An Hồng

Khoảnh khắc máy bay quân sự Trung Quốc bốc cháy trước khi rơi

Trang web của đài truyền hình Phoenix, Hong Kong ngày 30/1 đăng tải video thời điểm chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc bốc cháy trước khi rơi xuống khu vực nông thôn tây nam Trung Quốc, theo Express.

Video cho thấy hình ảnh một chiếc máy bay bay tầm thấp với một vệt lửa bốc ra ở phần động cơ, nằm giữa thân máy bay. Phi cơ sau đó hạ dần độ cao xuống một cánh rừng trước sự chứng kiến của đám đông phía dưới.

Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trước đó thông báo trên tài khoản Sina Weibo rằng một phi cơ của lực lượng này chiều ngày 29/1 rơi trong lúc bay huấn luyện tại huyện Tuy Dương, tỉnh Quý Châu. Video trên mạng xã hội cho thấy hiện trường có nhiều mảnh vỡ đang cháy và khói đen bốc lên tại hiện trường.

Không quân PLA không nêu loại máy bay cũng như thông tin về thương vong. Nhưng dựa trên dấu vết tại hiện trường, giới chuyên gia cho rằng đây có thể là máy bay tình báo điện tử và tín hiệu (SIGINT/ELINT) Y-8G.

Kích cỡ, hình dáng của chiếc máy bay bị vỡ nát và bốc cháy tại hiện trường tương đồng với phi cơ Y-8G trong biên chế không quân Trung Quốc. Khu vực máy bay gặp nạn cũng nằm gần nơi đóng quân của Sư đoàn không quân đặc nhiệm số 20, đơn vị vận hành phi đội Y-8G.

Nguyễn Hoàng

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Mẫu súng trường M4-WAC-47 của Ukraine. Ảnh: Wikipedia.

Mẫu súng M4-WAC-47 của Ukraine. Ảnh: Wikipedia.

Tập đoàn vũ khí nhà nước Ukraine (Ukroboronprom - UOP) hồi đầu tháng 1 tuyên bố đã chuyển giao lô súng trường WAC-47 đầu tiên cho một số đơn vị quân đội nước này. Đây là một phần nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Kiev, nhằm tăng khả năng tác chiến hiệp đồng với các nước khác, đồng thời gửi thông điệp chính trị tới Nga, theo Drive.

UOP cho biết lô WAC-47 đầu tiên sẽ được cung cấp cho các đơn vị chiến đấu của quân đội Ukraine để hoàn thiện và dần thay thế các dòng AK đang được biên chế đại trà trong quân đội nước này.

Mẫu súng thử nghiệm sử dụng cấu hình nòng ngắn (carbine) mang tên M4-WAC-47. Chúng có nòng dài 40,6 cm, dài hơn 4 cm so với nòng súng M4 tiêu chuẩn của Mỹ. Súng carbine có nhiều tác dụng tiện lợi, đặc biệt với binh sĩ phải lên xuống máy bay hay các phương tiện cơ giới, hoặc tác chiến trong không gian hẹp. Tuy nhiên, súng nòng ngắn có độ chính xác kém hơn bản nòng dài thông thường, nhất là ở tầm xa.

WAC-47 áp dụng cơ cấu trích khí trực tiếp của súng M16 Mỹ, trong đó luồng hỏa khí sẽ trực tiếp ép thoi đẩy về phía sau. Hệ thống trích khí trực tiếp giúp giảm độ giật và khối lượng tổng thể của súng.

Tuy nhiên, cơ cấu trích khí trực tiếp này tạo ra nhiều muội thuốc tác động trực tiếp vào các bộ phận của súng, đòi hỏi xạ thủ phải thường xuyên vệ sinh. Luồng khí nóng cũng làm khô dầu bôi trơn, gây giãn nở các bộ phận bên trong và kẹt đạn. Đây là nhược điểm không xuất hiện trong cơ cấu trích khí dài của dòng AK và các biến thể M16 hiện đại.

Phiên bản M4-WAC-47 sẽ cần bảo dưỡng nhiều hơn so với các mẫu súng AK-74 và AKM mà binh sĩ Ukraine đang sử dụng. Các chi tiết như cần lên đạn, chốt chọn chế độ bắn, nút nhả hộp tiếp đạn đều tương đồng với súng M16. Hình ảnh nguyên mẫu WAC-47 của Ukraine cho thấy chúng có các ray Picatinny và các điểm gắn phụ kiện theo tiêu chuẩn Mỹ. Kiev sẽ phải thay đổi quy trình huấn luyện binh sĩ, nhằm duy trì hiệu quả của súng.

Binh sĩ Ukraine bắn thử một khẩu WAC-47. Ảnh: Drive.

Binh sĩ Ukraine bắn thử một khẩu WAC-47. Ảnh: Drive.

Thiết kế kiểu Mỹ này giúp lính Ukraine sử dụng WAC-47 có thể lắp thêm các phụ kiện như ống phóng lựu, kính ngắm, bộ chỉ thị laser, đèn pin và tay cầm. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả tác chiến cho bộ binh Ukraine, nhưng đòi hỏi Kiev phải mua đủ thiết bị phụ trợ.

Tính năng đáng chú ý nhất của mẫu M4-WAC-47 là nó sử dụng đạn 7,63x39 mm vốn được sử dụng rộng rãi trên các loại súng AK của Nga. Hầu hết các loại súng theo mẫu M16 đều sử dụng đạn cỡ 5,56x45 mm nhỏ hơn.

Các chuyên gia cho rằng WAC-47 là một phần trong kế hoạch của quân đội Ukraine nhằm dần loại bỏ đạn 7,62x39 mm chuẩn Nga và biên chế đạn 5,56x45 mm chuẩn NATO. Dù Ukraine không thuộc NATO, họ thường xuyên huấn luyện với các quốc gia trong khối này, cũng như triển khai quân hỗ trợ nhiệm vụ của NATO tại Trung Đông.

Các biến thể AK sẽ dẫn bị loại khỏi biên chế quân đội Ukraine. Ảnh: Pinterest.

Các biến thể AK sẽ dần bị loại khỏi biên chế quân đội Ukraine. Ảnh: Pinterest.

Theo UOP, việc sử dụng súng WAC-47 có thiết kế giống M16 sẽ đơn giản hóa quá trình chuyển sang dùng đạn dược, vũ khí, trang thiết bị chuẩn NATO. Khi các kho đạn 7,62x39 mm cạn dần và binh lính gửi súng WAC-47 về kho bảo dưỡng, kỹ thuật viên sẽ thay thế cụm máy súng và nòng, biến chúng thành súng trường dùng đạn 5,56x45 mm NATO. Ukraine cũng có thể dùng cách tương tự để loại biên đạn 5,45x39 mm trên dòng AK-74 hiện nay.

Khả năng sử dụng nhiều cỡ đạn của WAC-47 cũng mang tính chính trị. UOP tuyên bố dòng súng mới sẽ hiện đại hoá quân đội Ukraine, đồng thời cắt bỏ liên kết cuối cùng với Liên Xô và Nga. Việc biên chế rộng rãi WAC-47 là dấu hiệu cho thấy chính sách ngả hoàn toàn sang phương Tây của Kiev, cũng như chính sách của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Việt Hòa

Ông bố gốc Việt bị miệt thị vì không biết tiếng Anh, mạng xã hội dậy sóng

EmilyHuynh chia sẻ một bức ảnh cha cô kèm email của công ty vận chuyển Dash Delivery. Ảnh: Twitter.

Emily Huynh, cô học sinh cấp 3 người Mỹ gốc Việt, cảm thấy không thể im lặng và nhắm mắt cho qua bức thư điện tử mà bộ phận nhân sự của một công ty vận chuyển gửi cho cha cô, trong đó, miệt thị trình độ tiếng Anh của ông, Seattle Times đưa tin.

Trước đó vào ngày 23/1, Emily Huynh chia sẻ trên Twitter email mà cha cô nhận được từ công ty Dash Delivery LLC, có trụ sở ở Everette, bang Washington. Trong đó, nhân viên tuyển dụng có tên Bruce Peterson đáp lại đơn xin việc của ông Minh Huynh bằng vỏn vẹn một câu: "Để tôi nói cho ông biết, nếu ông không nói được tiếng Anh, tôi sẽ đuổi ông về nhà".

Gần một ngày sau, công ty Dash Delivery ra thông cáo xin lỗi và tuyên bố sa thải nhân viên Peterson. "Phát ngôn của nhân viên Peterson không phù hợp và không đúng với giá trị của công ty chúng tôi", chủ công ty nói.

Lúc đăng lên Twitter, cô gái 18 tuổi nghĩ chỉ có bạn bè và một vài người gốc Á quan tâm và đồng cảm. Nhưng bất ngờ, chia sẻ của Emily đã có sức ảnh hưởng vượt qua những lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Câu chuyện "châm lửa" cho "dòng thác" tâm sự của những đứa con thuộc thế hệ nhập cư thứ hai trên khắp thế giới. 

"Cha mẹ gốc Á của chúng tôi bị người ta chà đạp suốt", một người bức xúc bình luận. 

"Người nhập cư hàng ngày phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhưng luôn lảng tránh đưa vấn đề này ra ánh sáng", Emily Huynh nói lý do tại sao cô đăng câu chuyện lên mạng xã hội. Emily kể thêm sau khi giải thích cho cha rằng nhân viên nhân sự "cố gắng cười nhạo và chế giễu" ông, người đàn ông 52 tuổi cảm thấy xấu hổ chứ không tức giận. 

Theo Emily, bình thường cô hay giúp kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp trong các bức thư xin việc của cha mình. Sau mỗi lần như thế, ông rất chịu khó ghi chép lại từ vựng, mẫu câu và câu trúc ngữ pháp mới để mang ra học mỗi ngày một chút. Tuy nhiên, lần này, do bận ôn thi và nộp đơn xin học bổng vào các trường đại học, Emily đã không có thời gian giúp cha như mọi khi. 

Ông Minh Huynh tự học tiếng Anh hàng ngày ở nhà trong khi tìm việc. Ảnh: Twitter.

Ông Minh Huynh tự học tiếng Anh hàng ngày ở nhà trong khi tìm việc. Ảnh: Twitter.

"Câu chuyện này khiến trái tim tôi tan vỡ bởi vì tôi thấy chính cha mình trong đó. Nó khiến tôi nhớ cha tôi đã phải vật lộn như thế nào để cố gắng giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ phức tạp với người da trắng, những người chỉ biết chế nhạo ông ấy", một tài khoản trên Twitter chia sẻ. 

Một người khác kể rằng theo yêu cầu công việc, "cha tôi phải làm bài kiểm tra viết hàng quý và ông luôn sợ hãi thi trượt chỉ vì không hiểu nghĩa của một từ nào đó dù ông là người làm việc chăm chỉ nhất ở đó".

Chỉ sau hai ngày câu chuyện đã thu hút hàng chục nghìn người chia sẻ lại trên mạng xã hội. "Tôi biết rằng mình không cô độc và thực tế là nhiều người đã liên hệ với tôi để bày tỏ sự ủng hộ", Emily nói. "Tôi cảm thấy choáng ngợp".

Emily cho biết gia đình cô chấp nhận lời xin lỗi của công ty trên nhưng nhiều người dùng mạng cho rằng Dash Deliver LLC có thể phải đối mặt với các rắc rối về pháp lý. Elizabeth Hanley, một luật sư ở Seattle chuyên xử lý các vụ kiện tụng liên quan đến phân biệt đối xử trong công việc, bình luận luật pháp liên bang lẫn luật pháp của từng bang ở Mỹ không ngăn cấm các công ty đưa ra yêu cầu về trình độ tiếng Anh của các ứng viên miễn là yêu cầu đó phải thực sự liên quan đến tính chất của công việc. 

"Theo kinh nghiệm của tôi, người lao động rơi vào tình trạng bị phân biệt đối xử như thế này, thường xuất thân từ nhiều quốc tịch khác nhau, cực kỳ ngại đưa vấn đề ra tòa", luật sư Hanley nói. "Họ là những công nhân được trả lương thấp và họ không ý thức được cách đối xử của người chủ lao động là trái luật".

"Tại Anh, bạn có thể đưa họ ra tòa vì phân biệt chủng tộc, nhất là khi điều đó được viết ra trên giấy trắng mực đen. Bạn có thể nhận được một khoản bồi thường kha khá, hãy tìm một cố vấn hoặc luật sư hay một người bạn có thể đưa ra lời khuyên và kiện gã đó", người khác khuyên.

Tuy nhiên, ông Minh Huynh không muốn kiện tụng và đối đầu với ai. Ông từ TP HCM đến Mỹ định cư năm 1995. Minh Huynh từng làm chủ một nhà hàng nhưng sau đó phá sản. Ông trở thành tài xế lái xe tải đêm suốt hơn 10 năm và thậm chí từng được khen thưởng là tài xế an toàn nhất của công ty. Kể từ khi mất việc cách đấy hai năm, ông nhận làm nhiều công việc bán thời gian, bên cạnh đó, vẫn miệt mài xin một công việc ổn định. 

"Cha tôi là người chăm chỉ, giàu tình cảm và tự tôn", Emily Huynh nói. "Tôi nghĩ hầu hết các bậc cha mẹ là người nhập cư đều như vậy".

An Hồng

People protest US refugee policy at Union Square on June 29, 2017, in New York.

Người biểu tình phản đối chính sách tị nạn của Mỹ ở New York hôm 29/6/2017. Ảnh: AFP.

Những người xin tị nạn từ 11 nước, được hiểu là gồm 10 nước có đa số dân theo đạo Hồi và Triều Tiên, sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn để được chấp nhận vào Mỹ. "Điều hết sức quan trọng là chúng tôi biết ai đang vào Mỹ", Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen hôm 29/1 nói. 

"Các biện pháp an ninh được bổ sung sẽ khiến những thành phần xấu khó lợi dụng chương trình tị nạn của chúng ta hơn, và chúng sẽ đảm bảo để chúng ta có cách tiếp cận đánh giá rủi ro để bảo vệ quê hương". 

11 nước chưa được công bố tên cụ thể nằm trong lệnh cấm hồi tháng 10/2017, theo chính sách sửa đổi của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhưng các nhóm tị nạn cho biết những nước này gồm Ai Cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Triều Tiên, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.

Tổng thống Trump đã theo đuổi lập trường cứng rắn hơn nhiều với người nhập cư và tị nạn từ tất cả các nước kể từ khi giữ chức năm 2017. Người tiền nhiệm Barack Obama trước đó đặt chỉ tiêu nhận 110.000 người tị nạn cho năm 2017. Khi ông Trump nắm quyền tháng một năm ngoái, ông cắt giảm xuống còn 53.000 và con số bị cắt một lần nữa xuống còn tối đa là 45.000 trong năm 2018. 

Trọng Giáp

Trực thăng Đài Loan bắn pháo sáng trong cuộc diễn tập. Ảnh: AFP.

Trực thăng Đài Loan bắn pháo sáng trong cuộc tập trận. Ảnh: AFP.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm nay bắt đầu tiến hành đợt tập trận bắn đạn thật mô phỏng tình huống chống lại một cuộc tấn công bằng đường biển của đối phương, theo AFP.

Trong cuộc tập trận, các trinh sát cơ Đài Loan theo dõi tàu chiến địch đang tiến về phía hòn đảo. Khi lực lượng đổ bộ của đối phương tiến vào cảng Hoa Liên, xe tăng Đài Loan liên tiếp khai hỏa nhằm vào kẻ thù.

Trực thăng tấn công sau đó bắn pháo sáng, trong khi tiêm kích F-16 thực hiện các đòn không kích nhằm yểm trợ hỏa lực cho bộ binh tấn công "quân địch" đội mũ sắt màu đỏ trên bờ biển.

Giới chức Đài Bắc cho biết cuộc tập trận nhằm "thể hiện sự quyết tâm bảo vệ hòa bình và an ninh trên eo biển Đài Loan".

Cuộc tập trận được tổ chức trong bối cảnh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tháng trước cảnh báo Bắc Kinh về hành động mà bà gọi là "sự bành trướng quân sự", khi quân đội Trung Quốc đại lục gia tăng các hoạt động diễn tập hải quân, không quân gần đảo Đài Loan kể từ khi bà Thái nắm quyền vào tháng 5/2016.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Đài Bắc và Bắc Kinh gần đây cũng cáo buộc lẫn nhau về việc Trung Quốc mở đường bay dân sự mới gần các đảo do Đài Loan kiểm soát tại eo biển Đài Loan.

Nguyễn Hoàng

Máy bay Mỹ phơi bụng trên bờ biển khi hạ cánh khẩn cấp

 Chiếc máy bay nằm lật ngửa trên bờ biển. Video: Eyewitness News ABC7NY.

Chiếc máy bay chở theo người hướng dẫn Brandon Sax 26 tuổi cùng hai học viên phi công 16 tuổi gặp sự cố kỹ thuật khi đang bay ở độ cao hơn 300 m trên bờ biển Long Island, bang New York, Mỹ khoảng 9h20 sáng qua, theo New York Post.

Trước tình thế khẩn cấp, Sax quyết định thay học viên nắm quyền điều khiển để hạ cánh. Trong điều kiện gió thổi mạnh và phần cánh cùng bánh xe bị kẹt trong cát lúc tiếp đất, chiếc máy bay bị lật ngửa trên bờ biển. Tuy nhiên, cả ba người không bị thương sau vụ việc.

Chiếc máy bay trên gặp nạn trong lúc thực hiện chương trình dạy lái của trường Nassau FlyersCơ quan hàng không liên bang Mỹ đã mở một cuộc điều tra về sự cố.

Vũ Phong

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Nước sông Seine dâng cao, 1.500 người dân Paris sơ tán
Nước sông Seine dâng cao, 1.500 người dân Paris đi sơ tán
 

Mưa kéo dài khiến mực nước sông Seine đạt đỉnh ngày 29/1, cao hơn mực nước thông thường 4 m, khiến chính quyền Paris phải cảnh giác, cho sơ tán 1.500 người ở vùng có nguy cơ cao. Nhiều khu vực ngoại ô thủ đô biến thành hồ, người dân buộc phải lội nước hoặc dùng cano để di chuyển.

Cơ quan theo dõi ngập lụt Vigicrues, Bộ Môi trường Pháp, dự báo nước bắt đầu rút từ ngày 30/1.

Chủ tiệm cafe không giá ông Steve Snook. Ảnh: Guardian.

Chủ tiệm cafe không giá ông Steve Snook. Ảnh: Guardian.

Metropolis Cafe ở thành phố Santa Monica, bang California, Mỹ trông như bao tiệm cafe khác với những bàn, ghế, wifi, người pha chế... Nhưng trên thực đơn của cửa hàng, khách sẽ không thấy giá sản phẩm. Tại đây, các "thượng đế" tự quyết định sẽ trả hơn 100 USD hoặc thậm chí chỉ 1 USD trên tinh thần tự nguyện, Guardian hôm qua đưa tin.

Chủ sở hữu của cửa hàng, mục sư 58 tuổi Steve Snook, cho hay tiệm cafe là một phần của nhà thờ. "Chúng tôi muốn có công việc kinh doanh tốt nhưng không định chỉ chăm chăm vào buôn bán. Công việc này còn hướng đến cộng đồng và sự hợp tác", ông nói.

Hồi tháng 10/2017, tiệm cafe hai năm tuổi quyết định bỏ giá sản phẩm trên thực đơn để thử nghiệm mô hình cafe không giá trong 30 ngày. Họ muốn kiểm tra liệu khách giàu có sẵn sàng trả nhiều tiền hơn thường lệ để cửa hàng bù đắp phần thiếu hụt do khách là người nghèo và người vô gia cư trả ít đi hay không.

"Sau 30 ngày, chúng tôi đạt được doanh thu như trước và vì vậy tiếp tục triển khai", ông Snook nói. Doanh thu của cửa hàng duy trì ổn định ở mức khoảng 12.500 USD mỗi tháng.

Theo nhân viên cửa hàng, khách mới có xu hướng hỏi giá trước đây của sản phẩm. Khoảng một nửa số khách trả ngang mức giá này, một phần tư trả nhiều hơn và số còn lại trả ít đi.

"Một lượng rất nhỏ cố hưởng lợi từ chính sách của quán. Chúng tôi cố tiếp đón họ bằng sự tôn trọng", ông Snook cho biết.

Khách hàng Ron Kurti. Ảnh: Guardian.

Khách hàng Ron Kurti. Ảnh: Guardian.

"Thỉnh thoảng tôi chỉ trả 2 USD cho một cốc latte sữa dê nhưng cũng có lúc trả 20 USD. Tùy nhé", Ron Kurti, 42 tuổi, một nhà thiết kế sản phẩm và là khách hàng quen, nói. Mức giá ông thường trả cho một cốc đồ uống là 4 USD và thêm 1 USD tiền boa, thấp hơn giá trước đây khoảng 20%.

Trong khi đó, khách Justin Germaine, 25 tuổi, làm việc tại một công ty khởi nghiệp, mỗi ngày khi đến cửa hàng đều trả trả 3,5 USD và thêm 1 USD tiền boa cho một cốc Americano, nhiều hơn mức giá trước 0,5 USD. "Tôi nghĩ cách kinh doanh này làm trỗi dậy lòng tốt ở mọi người vì không ai muốn gây khó dễ cho cửa hàng", Germaine nói.

Vũ Phong

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass.

"Mức độ nổi tiếng của Tổng thống Vladimir Putin đã vượt xa khỏi biên giới Nga", AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay. "Tôi nghĩ không ai có thể nghi ngờ việc ông Putin là nhà lãnh đạo tuyệt đối, theo quan điểm công chúng, nhà lãnh đạo của đỉnh Olympus chính trị, người khó có thể tìm được đối thủ thực sự trong giai đoạn này".

Khi được hỏi Điện Kremlin có coi thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny là mối đe dọa chính trị hay không, ông Peskov trả lời "không".

Navalny bị Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) cấm tham gia tranh cử tổng thống, tổ chức vào tháng 3, liên quan đến một án tù hoãn thi hành của ông. Ông đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong cuối tuần trước, thu hút hàng nghìn người tham gia, kêu gọi tẩy chay bầu cử.

Ông Putin ngày 27/12 đã nộp hồ sơ tái tranh cử lên CEC. Ông sẽ tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nếu được phép tranh cử, Navalny cũng khó có thể đánh bại ông Putin, người nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri.

Như Tâm

Đội hoạt náo viên Triều Tiên tới tham dự giải Vô địch Điền kinh châu Á ở Incheon, Hàn Quốc, hồi năm 2005. Ảnh: Yonhap.

Đội hoạt náo viên Triều Tiên tới tham dự giải Vô địch Điền kinh châu Á ở Incheon, Hàn Quốc, hồi năm 2005. Ảnh: Yonhap.

Triều Tiên hôm nay gửi điện tín cho Hàn Quốc, thông báo hủy sự kiện văn hóa chung dự kiến diễn ra ngày 4/2 ở núi Kumgang, Triều Tiên, Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Triều Tiên lấy lý do "bị đối xử bất công" trên truyền thông về sự kiện sắp tới.

Hàn Quốc cảm thấy "đáng tiếc" khi Triều Tiên đơn phương hủy một sự kiện chung mà nước này đã đồng ý tham gia.

Trình diễn văn hóa chung là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện tổ chức ở Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm chào mừng thế vận hội mùa đông diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc, vào tháng 2.

Triều Tiên trước đó đã nhất trí biểu diễn nghệ thuật và taekwondo tại Hàn Quốc để kỷ niệm Bình Nhưỡng cử vận động viên tham gia thế vận hội. Tuy nhiên, nhiều hãng tin Hàn Quốc quan ngại các sự kiện chung có thể vi phạm những nghị quyết trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang áp đặt lên Triều Tiên.

Như Tâm

Trò chơi điện tử Pokemon Go từng gây sốt khắp thế giới. Ảnh minh họa: AFP

Trò chơi điện tử Pokemon Go. Ảnh: AFP.

Tòa án Tối cao Nhật Bản ngày 27/1 bác đơn kháng cáo của Yusuke Okuyama, 28 tuổi, đến từ Toki, tỉnh Gifu, NHK đưa tin. Okuyama bị tòa án quận Nagoya, thành phố Kagusai, tỉnh Aichi, tuyên án 30 tháng tù hồi tháng 5/2017 vì chơi điện tử trên điện thoại trong lúc lái xe và đâm chết một phụ nữ người Việt tháng 8/2016.

Okuyama đệ đơn lên Tòa án Tối cao Nhật Bản sau khi tòa phúc thẩm Nagoya vẫn giữ nguyên bản án từ tòa sơ thẩm.

Nạn nhân bị đâm khi đạp xe qua vạch dành cho người đi bộ sang đường. Các bằng chứng cho thấy xe của Okuyama đã đi vào làn đường đối diện. Một thẩm phán kết luận dù không chạm vào màn hình điện thoại, sự chú ý của Okuyama vẫn dành cho điện thoại thay vì lái xe vào thời điểm xảy ra tai nạn

Theo các nguồn tin khác, Okuyama gây tai nạn khi đang cố gắng cắm sạc điện thoại. Chiếc điện thoại bị hết pin do tài xế này chơi Pokemon Go.

Như Tâm

Binh sĩ Mỹ bên ngoài căn cứ Taji tại Iraq. Ảnh: AFP.

Binh sĩ Mỹ bên ngoài căn cứ Taji tại Iraq. Ảnh: AFP.

Một bản đồ hiển thị đường chạy của những người dùng ứng dụng theo dõi tập thể dục Strava Labs đã vô tình làm lộ thông tin nhạy cảm về lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh tại các quốc gia như Afghanistan, Iraq và Syria, AFP hôm nay đưa tin.

Theo giới chuyên gia, mặc dù các nhóm cực đoan đã biết rõ vị trí của một số căn cứ mà chúng muốn tấn công, những tuyến đường binh sĩ di chuyển bên ngoài căn cứ hiện thị trong bản đồ có thể giúp chúng lên kế hoạch đánh bom hoặc phục kích.

Bản đồ của Strava Labs có thể cho thấy sự di chuyển của người dùng trên toàn thế giới, cũng như tần suất di chuyển dọc tuyến đường nhất định.

Một bản đồ thể hiện các tuyến đường chạy bộ của Strava Labs. Ảnh: Strava.

Một bản đồ thể hiện các tuyến đường chạy bộ của Strava Labs. Ảnh: Strava.

Tại Iraq, bản đồ này phần lớn không rõ nét do người dân chưa được tiếp cận nhiều với ứng dụng. Tuy nhiên, tại một số căn cứ nổi tiếng nơi Mỹ và lực lượng liên quân đóng quân như Taji, phía bắc Baghdad, Qayyarah, phía nam Mosul hay Al-Asad, tỉnh Anbar, nhiều tuyến đường lại được hiện thị rất chi tiết.

Ngoài ra, bản đồ của ứng dụng này cũng tiết lộ thông tin về các căn cứ Mỹ ở Afghanistan và Syria.

Phản ứng trước thông tin do các chuyên gia đưa ra, Strava Labs cho rằng các binh sĩ có thể khắc phục bằng cách cài đặt các bản đồ bảo mật  Metro/heatmap không hiển thị dữ liệu.

Nguyễn Hoàng

Bài viết theo tháng

Popular Posts

Liên kết